Đầu tư phát triển ngành thép

Hiện nay ngành thép đang sản xuất dư thừa và nhu cầu tiêu thụ trong nước chưa tới, cụ thể đối với ngành thép xây dựng, công suất thiết kế ngành thép hiện nay là 12 triệu tấn/năm, nhưng sản lượng sản xuất là 7 triệu tấn/năm, nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn/năm tiêu thụ hơn 7 triệu tấn/năm; Phôi thép cũng có công suất khoảng 12 triệu tấn/năm, đủ cung cấp cho sản xuất nhưng vẫn cao hơn nhu cầu tiêu thụ. Có thể thấy, mặc dù sản xuất trong nước dư thừa nhưng vẫn hiện trạng vẫn nhập khẩu thép từ nước ngoài, đặc biệt là thép Trung Quốc do giá rẻ.

Như vậy, đầu tư phát triển cho ngành thép như thế nào là phù hợp. Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép vẫn cần phải đầu tư nhưng phải đầu tư theo chiều sâu và có cân nhắc tính toán chọn lọc theo nhóm ngành.

Trong giai đoạn hiện nay, hiệp hội thép không khuyến khích đầu tư ở các dự án phôi thép và thép dài do cung đã vượt cầu khá nhiều. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tăng cạnh tranh, giảm tiêu hao, giảm giá thành, tăng chất lượng. Với mặt hàng thép ống, tôn mạ hay thép cán nguội thì tình hình tiêu thu trong nước tốt, xuất khẩu cũng thuận lợi và chiếm ưu thế trong khu vực Đông Nam Á, có thể mở rộng đầu tư thêm nhưng phải cân đối với lượng cầu trong nước và xuất khẩu.

Để đầu tư phát triển, ngành cần tính toán nhu cầu trong nước và xu thế trong tương lai. Nhu cầu tiêu thụ thép hiện nay của Trung Quốc là 400kg/người/năm hay Nhật Bản là 1000kg/người/năm. Việt Nam là nước đi sau so với các nước trên thế giới, mức tiêu thụ hiện tại đang xấp xỉ 200kg/người/năm thấp hơn mức trung bình thế giới. Vì vậy, xu thế tiêu thụ thép sẽ tăng trong thời gian tới, dự tính khoảng 250kg/người/năm. Các doanh nghiệp muốn đầu tư hoàn toàn có thể tính toán nhu cầu trong nước từ GDP và các chỉ số công nghiệp xây dựng để đón đầu nhu cầu thị trường và đầu tư hợp lý. Nguyên tắc đầu tư phát triển ngành thép hiện nay, theo quan điểm của Hiệp hội thép Việt Nam đó vẫn là ưu tiên đầu tư phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Đối với mặt hàng sản xuất dư thừa như thép dài, không khuyến khích đầu tư các dự án mới. Khi hội nhập và mở cửa, với những mặt hàng trong nước không sản xuất được thì vẫn phải nhập khẩu như tấm lá, cán nguội, cán nóng, rồi thép hợp kim và ủng hộ khuyến khích đầu tư các dự án mới sản xuất những mặt hàng này.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới