Đầu tư mạnh cho khoa học – công nghệ: Vai trò then chốt trong sản xuất hiện đại (Phần 1)

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là động lực then chốt để phát triển bền vững cho các khối ngành sản xuất. Thời gian qua, hoạt động này đã được các tập đoàn, tổng công ty ngành Công Thương chủ động thực hiện.

Các hoạt động KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỉ lệ nội địa hoá trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành. Các thành tựu đó đã được ghi nhận bằng các giải thưởng cao quý về KH&CN như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, Giải thưởng VIFOTEC.

Trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp (DN) phối hợp triển khai sử dụng hiệu quả kinh phí từ nguồn KH&CN cấp Bộ, các chương trình/đề án quốc gia Chính phủ giao. Hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các DN đã có những bước phát triển đáng kể. Tại nhiều tập đoàn, tổng công ty, bằng nguồn vốn trích lập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đã chủ động đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ.

Tiêu biểu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện lồng ghép hoạt động đầu tư xây dựng, ứng dụng kỹ thuật trong quản lý vận hành hệ thống điện và quản trị DN. Trong năm 2019, EVN nhận giải thưởng “DN chuyển đổi số xuất sắc” thông qua hoạt động chuyển đổi số toàn diện tại EVN, bao gồm các lĩnh vực: Quản trị DN; điều độ hệ thống điện; truyền tải; phát điện, triển khai hệ thống DCS điều khiển phân tán trong nhà máy điện, hệ thống EVNHES, phần mềm quản lý nguồn điện…; kinh doanh và chăm sóc khách hàng.

Không chỉ có EVN, để đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chủ động đầu tư phát triển Viện Dầu khí thành đơn vị nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên ngành theo hướng hiện đại, đồng bộ, với việc hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất mới, hiện đại. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, PVN đã đầu tư hình thành Trung tâm Phân tích thí nghiệm chuyên ngành dầu khí đạt tiêu chuẩn quốc tế; phòng thí nghiệm nhiên liệu sinh học… với tổng kinh phí ước khoảng hơn 800 tỷ đồng từ các nguồn quỹ KH&CN, quỹ đầu tư và phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

Nguồn: Khcncongthuong

Tin mới