Đầu tư đổi mới công nghệ giải pháp mang tính then chốt quyết định tăng năng suất lao động

Bài tham luận của Cty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hoá nhất Hà Bắc

Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Nhiệm vụ chính của Công ty là sản xuất phân đạm Urê phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn sản xuất một số sản phẩm khác như: Điện, NH3 thương phẩm, CO2 rắn, lỏng… chất lượng cao phục vụ nền kinh tế quốc dân.

Trong xu thế hội nhập, Công ty cũng như các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn đặc biệt là việc cạnh tranh các sản phẩm cùng loại ngày càng khốc liệt.

Để tồn tại và phát triển, thì doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao, hạ giá thành sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường để tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó yếu tố cốt lõi là nâng cao năng suất lao động. Điều đó có nghĩa là chỉ có tăng năng suất lao động thì doanh nghiệp mới phát triển được.

Xác định rõ điều đó, trong những năm qua Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý và huy động tối đa nguồn lực để duy trì và phát triển sản xuất. Trong đó tập trung vào hai giải pháp chính là:

1. Khai thác nội lực, phát huy tiềm năng của người lao động.

Đây là giải pháp quan trọng, mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và gắn kết người lao động với doanh nghiệp, một trong yếu tố để doanh nghiệp phát triển bền vững.

1.1 Xác định người lao động là chủ thể, là yếu tố cấu thành nên lao động, nguồn lực quan trọng không thể thiếu của doanh nghiệp. Vì vậy trong những năm qua Công ty chú trọng đào tạo, phát triển nguồn lực; khai thác tiềm năng, phát huy, sử dụng có hiệu quả chất xám của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong sản xuất và mọi hoạt động SXKD của Công ty. Với các nội dung sau:

– Xây dựng các nội quy, quy định và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, tạo môi trường để người lao động phát triển bản thân, … để khuyến khích, tăng cường thái độ làm việc tốt của người lao động như: Tuân thủ kỷ luật lao động; Có tinh thần trách nhiệm với công việc, hoàn thành tốt công việc; Sự gắn bó với doanh nghiệp; Ham học hỏi.

– Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, kiến thức cho người lao động. Thực hiện đa dạng hóa chương trình đào tạo và đào tạo chuyên sâu; tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề và kiến thức xã hội cho CNVC, bồi dưỡng và tuyển chọn đúng cán bộ có đủ phẩm chất, đáp ứng yêu cầu công việc, làm chủ thiết bị máy móc góp phần nâng cao khả năng quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh.

– Đổi mới cơ cấu tổ chức đảm bảo tinh gọn trên cơ sở yêu cầu của sản xuất.

– Xây dựng chiến lược phát triển nguồn lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu mở rộng, phát triển quy mô SXKD của Công ty.

(Hiện tại Công ty có 1687 lao động, trong đó: 09 người có trình độ thạc sỹ; 574 người có trình độ đại học, 177 người có trình độ cao đẳng, còn lại là trung cấp và đào tạo nghề. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề có đủ năng lực tổ chức và quản lý sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện tại và tiếp cận với dự án mới. Đây cũng là nguồn cung cấp nhân lực về công nghệ sản xuất đạm cho cả nước).

1.2 Thực hiện chăm lo cho người lao động là đầu tư cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Việc chăm lo cho NLĐ được quan tâm cả về mặt vật chất và tinh thần.

Về vật chất: Công ty đã đảm bảo việc làm cho gần 2000 lao động thường xuyên với mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng. Duy trì chế độ: Thưởng quý, thưởng tháng lương thứ 13; tặng quà nhân dịp Tết , ngày lễ lớn … cho người lao động.

– Thực hiện tốt các chế độ BHXH, BHYT, BHLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị thêm phương tiện bảo vệ cá nhân cho CNVC, người lao động được làm việc trong điều kiện ngày càng tốt hơn; mỗi năm chi khoảng gần 6 – 8 tỷ đồng cho hoạt động này.

– Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Phòng Ytế, phục vụ khám điều trị ban đầu, chăm sóc sức khoẻ và tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho CNLĐ toàn Công ty.

Về tinh thần: Ngày nay NLĐ không chỉ có nhu cầu về vật chất mà cần có nhu cầu về tinh thần và môi trường sống tốt. Nắm bắt điều đó Công ty luôn quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, các thiết chế phục vụ đời sống văn hoá, tinh thần cho CNLĐ. Duy trì và đẩy mạnh hoạt động của Nhà văn hoá công nhân với 01 Nhà thi đấu đa năng, 01 Sân vận động thể thao, 03 Sân quần vợt, 01 Bể bơi, 02 khu tập thể công nhân lao động… thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống như: Hội diễn văn nghệ quần chúng, giải cầu lông, Hội khoẻ truyền thống, giải quần vợt, giải bóng đá…; duy trì hoạt động các câu lạc bộ… nâng cao đời sống tinh thần cho CNVC Công ty. Thông qua hoạt động VHTT, người lao động được tái tạo sức khoẻ, gắn kết trong cuộc sống, trong công việc và lao động tốt hơn.

– Tổ chức cho CNVC đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua hàng năm đi học tập, tham quan trong nước và nước ngoài Tổng kinh phí chi cho hoạt đồng này khoảng 4,5 tỷ đồng/năm.

– Làm tốt công tác ASXH, thăm hỏi, trợ cấp, trợ giúp cho CNVC có hoàn cảnh khó khăn …

– Công ty đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc riêng thể hiện qua các tiêu chí: Tác phong CN, ứng xử văn minh, lịch sự (có văn hóa), tôn trọng khách hàng, giữ uy tín, tin cậy và trách nhiệm…Tạo môi trường sống tốt, lành mạnh, mọi người lao động đều được tôn trọng.

Việc chăm lo người lao động, làm tốt công tác ASXH chính là xây dựng Thương hiệu công ty. Thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Với những quan tâm, không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động như trên, CNVC Công ty hoàn toàn yên tâm sản xuất, thực sự gắn bó với Công ty, coi công ty là ngôi nhà chung, sẵn sàng cống hiến sức lực và trí tuệ, làm việc có trách nhiệm hơn, từ đó có tác động thiết thực nâng cao được năng suất lao động, hiệu quả SXKD của Công ty

2. Đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý.

Đây là giải pháp mang tính then chốt quyết định tăng năng suất lao động. Song không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được.

Xác định rõ điều đó, trong những năm qua Công ty đã không ngừng nỗ lực tập trung đầu tư chiều sâu nhằm từng bước đổi mới, cải tạo công nghệ, thiết bị để nâng cao sản lượng, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Cụ thể:

– Thực hiện đầu tư từng bước vào các khâu trọng điểm trong dây chuyền sản xuất hiện tại, phù hợp với dây chuyền mới để đạt sản lượng 200.000 tấn Urê/năm; lấy hiệu quả của chương trình ngắn hạn để thực hiện kế hoạch dài hạn; ưu tiên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các chương trình sử dụng có hiệu quả nguyên nhiên vật liệu, năng lượng và xử lý môi trường nhằm đưa Công ty phát triển bền vững

– Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thi công Dự án Cải tạo – mở rộng nhà máy, xây dựng dây chuyền mới có công suất 320.000 tấn urê/năm, nâng sản lượng đạm toàn nhà máy lên 500.000 tấn urê/năm và triển khai, đưa vào sản xuất các dự án mới: CO2, H2O2. Tháng 6/2015 Công ty đã khánh thành dự án và đưa vào sản xuất. (Sản lượng tăng 2,5 lần; lao động giảm từ 1900 người xuống còn 1687 người)

– Cùng với đầu tư công nghệ, Công ty tăng cường và đổi mới công tác quản lý sản xuất, điều hành khoa học; Áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến: ISO 9001:2008; ISO14001:2004; hệ thống quản trị doanh nghiệp tổng thể: ERP…

– Tạo dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu ĐẠM HÀ BẮC: Từ nhiều năm qua được đánh giá là thương hiệu nổi tiếng, uy tín trong nước và hiện nay đang được nhiều khách hàng ngoài nước biết đến. Sản phẩm của Công ty sản xuất có chất lượng tương đượng hàng ngoại nhập, liên tục đạt được các giải cao: Sao vàng đất Việt, Giải chất lượng quốc gia, Thương hiệu nổi tiếng… được người tiêu dùng biết đến như một thương hiệu chất lượng uy tín hàng đầu Việt Nam. Nhờ vậy sản phẩm của Công ty luôn được tiêu thụ tốt, bán với giá cao hơn sản phẩm cùng loại.

Với các giải pháp trên, SXKD của Công ty liên tục nhiều năm đạt hiệu quả cao, nâng cao được tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, đời sống người lao động được cải thiện và nâng cao.

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp cho thấy: Để nâng cao hiệu quả SXKD thì phải nâng cao năng suất lao động; doanh nghiệp cần có giải pháp tổng thể và lựa chọn những bước đi, giải pháp phù hợp cho mình. Phát triển sản xuất kinh doanh đi đôi với cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động là mục tiêu và cũng là động lực Công ty hướng tới xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững. Trên con đường phát triển ấy, việc người sử dụng lao động thường xuyên đầu tư đổi mới về công nghệ, quan tâm tới đời sống của người lao động, hướng về người lao động là động lực lớn lao để người lao động đóng góp công sức vì sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là điều kiện cần và đủ đảm bảo cho việc nâng cao hiệu quả SXKD và năng suất lao động tại mỗi doanh nghiệp.

http://bxh.laodong.com.vn

Tin mới