Đầu tư đổi mới công nghệ để vươn ra thị trường quốc tế

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Phương pháp đổi mới công nghệ là một trong những biện pháp hàng đầu giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và tạo được vị thế trên thị trường. Thực tế đã cho thấy, hiện nay không ít doanh nghiệp đã gặt hái thành công thông qua việc đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Công ty CP dịch vụ và thương mại Thống Nhất (Huyện Lạng Giang, Bắc Giang) là doanh nghiệp chuyên sản xuất cửa cuốn khe thoáng, cửa cuốn tấm liền, cửa thép vân gỗ, cửa chống cháy,..

Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: “Sản xuất cửa theo công nghệ nước ngoài không chỉ đòi hỏi tính mỹ thuật mà còn phải đảm độ chính xác cao. Bởi vậy, thay vì sản xuất thủ công, 3 năm qua doanh nghiệp tập trung đổi mới phương thức quản trị về công nghệ. Công ty đã dành gần 20 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động nhập khẩu từ Nhật Bản như dây chuyền cắt thép, phun sơn,… nhờ đó tiết kiệm được nguồn nhân lực, vật lực và thời gian, đồng thời tăng năng suất lên 50% so với trước kia.”

Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn cũng đã thu được kết quả tích cực sau khi áp dụng phương pháp đầu tư đổi mới công nghệ. Cuối năm 2015, công ty đã đầu tư 5 tỷ đồng trang bị dây chuyền cấp đồng rời tính năng suất bình quân cấp đông 3-5 tấn tôm. Nhờ dây chuyền mới giàu tính linh hoạt, công ty không những đã nâng năng suất từ 3 tấn tôm/ngày lên 5 tấn tôm/ngày.

Ông Võ Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: “Chỉ một thời gian ngắn sau khi dây chuyền mới đi vào hoạt động đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Với công nghệ mới, băng chuyền tự động đưa sản phẩm tôm đã sơ chế vào cấp đông rời với công suất 500kg/giờ, không những giúp chi phí sản xuất giảm 2/3 so với trước, mà sản phẩm sau cấp đông dễ tách, hao hụt trọng lượng sản phẩm thấp, hơn nữa hình thức cũng đẹp hơn”.

Thiết nghĩ, để các Doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có thể đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh, ngoài sự nhận thức chủ động tiếp cận đầu tư từ phía doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các cấp ban ngành trung ương để mỗi doanh nghiệp đều phát huy được tối đa năng lực của mình trên thị trường.

Văn phòng NSCL

Tin mới