Đầu tư công nghệ là mấu chốt để tăng năng suất lao động

Vấn đề năng suất lao động (NSLĐ) được Chính phủ và toàn xã hội đặc biệt quan tâm do đây là yếu tố tác động quan trọng tới năng lực cạnh tranh quốc gia và mức sống của người dân. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đối với TS Nguyễn Anh Tuấn (ảnh), Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam về vấn đề này.

Lao động Việt Nam luôn được đánh giá chăm chỉ, cần cù, nhưng NSLĐ của người Việt lại luôn ở mức thấp. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Việt Nam là một trong ba nước có NSLĐ thấp nhất khu vực ASEAN. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam có sự cải tiến năng suất đáng kể, tăng hơn 3%/năm, tăng mạnh nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng. Khoảng cách NSLĐ Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN đang được thu hẹp dần. Tuy nhiên, khoảng cách về NSLĐ của Việt Nam so với các nước phát triển còn khá xa.

Các khảo sát đều chỉ ra rằng, các DN đánh giá kỹ năng, kỹ thuật của người lao động không phải là thấp, mà cái yếu là kỹ năng nhận thức và hành vi. Điều mà người lao động đang “thiếu” so với nhu cầu của DN đó là khả năng thích nghi với môi trường làm việc; khả năng giao tiếp, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp; khả năng tương tác làm việc nhóm; khả năng tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trong xử lý công việc.

Vậy đâu là vấn đề mấu chốt khiến cho NSLĐ lại thấp như vậy?

Có rất nhiều yếu tố tác động đến NSLĐ của Việt Nam. Đầu tiên là khoa học và công nghệ, thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao giải pháp quản lý NSLĐ mới được nâng cao. Đồng thời NSLĐ ở Việt Nam còn bị chi phối bởi trình độ và kỹ năng của người lao động, môi trường làm việc… Vấn đề về thị trường cũng tác động làm năng suất giảm. Có những ngành nghề, nguồn đầu ra không ổn định, “được mùa, mất giá”. Sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ được, nhiều trường hợp thua lỗ. Chính điều này dẫn đến NSLĐ thấp khi chia cho những ngành nghề, lĩnh vực có năng suất, hiệu quả thấp khi nguồn nhân lực cao.

Đặc biệt còn có nguyên nhân từ vấn đề thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục còn chưa tập trung vào giúp DN, tạo điều kiện tối đa cho sản xuất kinh doanh của DN.

Ngoài ra, cũng phải thừa nhận, năng suất thấp là trách nhiệm của cả phía DN và người lao động, trong đó DN phải chia sẻ lợi ích với người lao động. Người lao động cần được trang bị công cụ, trang thiết bị tiên tiến, công nghệ cao. Có nhiều DN vùi dập thành quả cải tiến của người lao động, cho rằng quyết định của mình là trên hết, không tạo được động lực cho người lao động phát triển những sáng tạo cải tiến. Nếu giữ cách làm này thì không thể phát triển và tăng NSLĐ được.

Làm thế nào để cải thiện NSLĐ của Việt Nam, thưa ông?

Để cải thiện NSLĐ thì Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người. Việt Nam là nước đang phát triển nên ở giai đoạn này, tăng cường vốn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Nếu chúng ta có nhiều ngành nghề năng suất thấp, sử dụng lao động nhiều, giá trị làm ra thấp thì chắc chắn NSLĐ của toàn xã hội thấp. Vì vậy, phải tăng cường vốn đầu tư cho những thiết bị có năng suất cao và nâng cao trình độ quản lý, thúc đẩy hoạt động cải tiến trong DN.

Quan trọng nhất, để phát triển kinh tế một cách bền vững và đảm bảo bắt kịp các nước đã phát triển thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật.

Cần học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới về tăng NSLĐ. Câu chuyện của Nhật Bản có thể giúp Việt Nam nhiều bài học về hoạt động nâng cao năng suất chất lượng rất thành công. Lấy ví dụ, những năm 1950, các sản phẩm của Nhật Bản có chất lượng không cao như hiện nay. Nhưng người Nhật Bản đã chọn Mỹ là mô hình học hỏi, chia sẻ để nâng cao năng suất chất lượng. Các chuyên gia Nhật Bản đã đúc kết và đưa ra được các mô hình cải tiến năng suất chất lượng mà Việt Nam đang áp dụng, ví dụ: Chương trình 5s, mô hình Kaizen…

Chúng ta phải học hỏi Nhật Bản một nguyên tắc: Nâng cao NSLĐ đi cùng sự chia sẻ thành quả nâng cao NSLĐ. Khi người lao động được tăng lương, tăng các chế độ phúc lợi xã hội thì lúc đó mới có thể thu hút được người lao động.

Việc áp dụng khoa học và công nghệ là mấu chốt để tăng NSLĐ. Nhưng đây sẽ là khó khăn với DN nhỏ và vừa, đặc biệt là vốn, cơ chế chính sách. Phải làm gì để thay đổi điều này trong thời gian tới?

Muốn thay đổi phải từ tự thân DN. DN cần xác định đâu là vấn đề khoa học và công nghệ để tập trung đầu tư. DN phải tính được, đầu tư 1 đồng cho công nghệ, lãi được bao nhiêu. Đó là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ nhất để DN đầu tư cho khoa học và công nghệ. Có những DN nói rằng, nếu đầu tư bán được hàng, họ sẵn sàng bán nhà để đầu tư. Còn không, nếu đầu tư không bán được hàng, Nhà nước có hỗ trợ một nửa, họ cũng không dám đầu tư.

Qua các nghiên cứu cho thấy, hầu hết các DN còn rất “lơ mơ” trong vấn đề đầu tư khoa học. Để triển khai được các chương trình cải tiến, nâng cao NSLĐ, ngay từ đầu DN phải xác định được đâu là nhu cầu của DN, của khách hàng và của thị trường bởi DN chỉ làm những gì mà khách hàng và thị trường trả tiền vào. Từ đó DN mới xem xét tất cả quá trình để đáp ứng nhu cầu một cách tối ưu.

Xin cám ơn ông!

Nguồn: baohaiquan.vn

Tin mới