Theo Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (đoàn Hà Nội), mấu chốt của việc nâng cao năng suất lao động là các doanh nghiệp phải chi đầu tư công nghệ 4.0 để ứng dụng vào sản xuất.
Kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ hai, trong buổi sáng 22/5, các đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2018.
Tại phiên thảo luận tại tổ, Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (đoàn Hà Nội) cho biết, kinh tế quý I/2018 tăng trưởng khả quan, cao nhất trong 10 năm trở lại đây hoàn toàn tương đồng với một số tổ chức quốc tế như WB, IMF, quan trọng là các khu vực kinh tế đều có sự cải thiện, như nông nghiệp, nông lâm thủy hải sản đều có chỉ số tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ.
“Con số tăng trưởng như vậy là hết sức phấn khởi, dù có ý kiến cho rằng cần xem xét lại số liệu, nhưng sự xê dịch về số liệu nếu có thì không đáng kể”, ông Thắng nhận định.
Theo ông Thắng, kết quả tăng trưởng này cho thấy chỉ đạo của Chính phủ là đúng đắn, khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,8% (cùng kỳ năm trước 4,8%); lạm phát cơ bản giảm, Chính phủ đã chủ động trong điều chỉnh giá của một số mặt hàng để tiệm cận với giá thị trường…
“Với kết quả tăng trưởng quý I/2018 và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, thì chúng ta có niềm tin kiểm soát lạm phát bình quân như mục tiêu đề ra”, ông Thắng nhận định.
Đại biểu Thắng nêu thêm, từ đầu năm đến nay, tình hình lãi suất và tỷ giá ổn định, các ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất cho vay theo điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
“Với động thái điều hành quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong định hướng tín dụng thì hệ thống ngân hàng đã tập trung được nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt là cho các doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh, cho vay vốn các dự án nhằm tạo ra sự phát triển bền vững cho nền kinh tế”.
Đề cập đến câu chuyện năng suất lao động, ông Thắng cho rằng: “Năng suất lao động ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp, tuy nhiên, mấu chốt là phải áp dụng công nghệ vào sản xuất”.
“Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực”.
Dẫn chứng cho vai trò của công nghệ 4.0 trong sản xuất, ông Thắng nêu, ví dụ như ngành dệt may vốn sử dụng nhiều lao động trước đâu, nhưng hiện đã tự động hóa ở rất nhiều khâu, có những khu vực rất ít công nhân.
Nền kinh tế phải nâng cao khả năng thích ứng. Khi thế giới tuyên bố cách mạng công nghiệp 4.0 thì thị trường đã có sản phẩm công nghệ cho các ngành sản xuất rồi, các doanh nghiệp phải chi đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất lao động.
“Chính phủ phải tiếp tục hỗ trợ các ngành, và doanh nghiệp đầu tư, ứng dung công nghệ vào sản xuất, kinh doanh”, ông Thắng đề nghị.
Nguồn: baodautu.vn