Dầu khí PVN: Đổi mới để bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Đứng trước những cơ hội và thử thách mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đem lại cho ngành dầu khí, tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị trực thuộc đã có những thay đổi trong công tác quản lý nhằm tăng hiệu quả sản xuất và kinh doanh.

Tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng Khoa học Công nghệ PVN nhiệm kỳ 2017-2022, Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ PVN Nguyễn Quỳnh Lâm khẳng định: “CMCN 4.0 là sự phát triển tất yếu của thế giới, có tác động, ảnh hưởng hết sức to lớn đến mọi mặt của đời sống, tự nhiên và xã hội của tất cả các quốc gia. Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để đổi mới phương thức sản xuất, quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phát huy các lợi thế của cuộc cách mạng này. PVN sẽ không đứng ngoài cuộc cách mạng này, tất cả các thành viên của Tập đoàn cần có tâm thế sẵn sàng và chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Theo đó, một số đơn vị trực thuộc PVC đã lập kê hoạch thích ứng với CMCN 4.0. Tiêu biểu như Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Phú Quốc POC, Đạm Cà Mau…, những đơn vị này đều có mức độ thích ứng và nhu cầu thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khác nhau, bởi điều này còn phụ thuộc vào mong muốn của lãnh đạo và tình hình thực tế tại doanh nghiệp.

Nhìn chung, những ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội đối với PVN. Thông qua việc kết nối, xây dựng “big data” và ứng dụng Internet vạn vật, PVN có thể quản lý một lượng lớn cơ sở dữ liệu dầu khí quốc gia, bao gồm các hệ thống các “big data” về dữ liệu trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, mở rộng xây dựng, kết nối với các khâu còn lại.

Bên cạnh đó, những ứng dụng như lắp đặp cảm biến nhằm “số hóa” hệ thống sản xuất, cho phép theo dõi, giám sát chất lượng sản phẩm và tài sản trong thời gian thực giúp PVN tiết kiệm được thời gian và nhân lực trong khâu thu thập dữ liệu, đồng thời có thể phân tích và đưa ra những điều chỉnh kịp thời trong quy trình sản xuất, tối ưu hóa hiệu suất làm việc của máy móc và nâng cao tính liên kết giữa các công đoạn.

Trên thực tế, hiện PVN cũng đã và đang từng bước đưa công nghệ 4.0 vào thí điểm trong mô hình sản xuất, bắt đầu từ việc thực hiện các chính sách khuyến khích các đơn vị trực thuộc chuẩn hóa thích ứng với CMCN 4.0 thông qua các buổi hội thảo hay các khóa đào tạo về lĩnh vực này. Mặt khác, PVN cũng đẩy mạnh nghiên cứu, chuẩn hóa mã vật tư, thiết bị trong toàn ngành để cài đặt trên hệ thống thông tin của PVN và kết nối trực tuyến áp dụng cho các đơn vị trong toàn ngành; lựa chọn và thống nhất hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối trong các hệ thống OT và giữa các hệ thống OT với IT để áp dụng trong ̣ từng khâu của lĩnh vực dầu khí.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới