Dấu ấn phong trào năng suất chất lượng ngày càng rõ nét

Sáng nay tại Hà Nội diễn ra Hội nghị tổng kết Thập niên Chất lượng lần thứ 2 (2006 – 2015) và Tổng kết giai đoạn I (2010 – 2015) Chương trình Quốc gia Năng suất Chất lượng (Chương trình 712).

Kết thúc Thập niên Chất lượng lần thứ II và giai đoạn I của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), nhiều mục tiêu đã đạt và vượt mức đề ra, để lại dấu ấn rõ nét trong nền kinh tế.Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Việt Thanh – Phó trưởng ban Ban Điều hành Chương trình 712 đã dành cho Chất lượng Việt Nam phỏng vấn về một số kết quả đạt được của hai chương trình nói trên.

Xin Thứ trưởng cho biết, Thập niên Chất lượng lần thứ II để lại những dấu ấn gì đối với nền kinh tế?

Thập niên Chất lượng lần thứ II với chủ đề “Năng suất Chất lượng- Chìa khóa Phát triển và Hội nhập” được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát động tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ VI (năm 2005).

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, thập niên chất lượng lần thứ II đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, thập niên chất lượng lần thứ II đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế

Ở thập niên này, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã triển khai thực hiện, hình thành Phong trào Năng suất Chất lượng trong phạm vi cả nước, góp phần biến năng suất chất lượng (NSCL) trở thành yếu tố ngày càng quan trọng để phát triển và hội nhập thành công.

Nếu như trong Thập niên Chất lượng lần thứ I (1996-2005), nhận thức của xã hội nói chung chủ yếu quan tâm đến yếu tố “chất lượng”, yếu tố “năng suất” có phần xem nhẹ thì nhận thức này đã được thay đổi khi mà Thập niên Chất lượng lần thứ II đã đề cập đến cụm từ “Năng suất Chất lượng”. Có thể nói cụm từ “Năng suất Chất lượng” đã xuyên suốt trong các hoạt động kinh tế xã hội nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng. Nhận thức trên đã thể hiện trong các quyết sách của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Phong trào NSCL Việt Nam trong Thập niên Chất lượng lần thứ II đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào việc nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, thành tựu đó càng có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã và đang còn gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế trong thời gian qua.

Thời gian qua, chương trình 712 được triển khai rộng rãi ở các Bộ, ngành, địa phương, đánh giá sơ bộ kết quả 5 năm đầu của chương trình này ra sao thưa Thứ trưởng?

Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Ngay sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, các Bộ, địa phương đã chủ động xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt các dự án thành phần thuộc Chương trình. Đến thời điểm này chỉ còn 3 dự án NSCL ngành là Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế và 10 dự án NSCL địa phương chưa được phê duyệt. Còn lại, hầu hết các bộ ngành và địa phương đã có dự án được phê duyệt triển khai.

Các Bộ, ngành tổ chức xây dựng và trình Bộ KH&CN công bố 4.485 TCVN, vượt mục tiêu đề ra 112%. Nâng tổng số TCVN lên trên 8.800 TCVN cho 98 lĩnh vực tiêu chuẩn; tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 45%. Tổ chức được hơn 200 khóa đào tạo tập trung, đào tạo qua mạng cho khoảng 10.000 học viên là cán bộ, chuyên gia tư vấn, giảng viên NSCL.

Tính đến 31/05/2015, đã có khoảng 800 doanh nghiệp hoàn thành việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL vào doanh nghiệp mình. Trong đó có các doanh nghiệp đã áp dụng thành công, có thể trở thành điển hình để các doanh nghiệp đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng như trong lĩnh vực dịch vụ có Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng HD Bank, Văn phòng khu vực miền Bắc – Vietnam Airlines; Bệnh viện Việt Pháp, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện quận Thủ Đức, Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trong lĩnh vực sản xuất có Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Tổng công ty may Đức Giang, Công ty Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI), Công ty Thiên Sinh, Công ty CP Tập đoàn Hương Sen, Công ty CP Xây lắp dầu khí Miền Nam, Công ty cổ phần IMECO, Công ty Dệt Kim Đông Xuân, Công ty Nam Dược, Công ty Công nghiệp chính xác Việt Nam…

Ý kiến cho rằng, Chương trình 712 chưa thực sự đi vào doanh nghiệp, trong khi chương trình này hướng chính lại là doanh nghiệp, phải chăng, hiệu quả triển khai của các Bộ, ngành còn yếu kém thưa Thứ trưởng?

Thực tế triển khai cho thấy, tiến độ xây dựng, phê duyệt dự án NSCL ngành, địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Nhiều dự án quy mô còn quá nhỏ chưa thực sự tương xứng với quy mô của dự án thuộc Chương trình quốc gia. Lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động nâng cao NSCL trong phạm vi quản lý, chưa chỉ đạo sâu sát việc xây dựng, thực hiện dự án năng suất chất lượng ngành, địa phương. Trách nhiệm tham mưu của các cơ quan chức năng của Bộ, Sở Khoa học và Công nghệ ở địa phương còn chưa đầy đủ.

Việc triển khai Chương trình, dự án ở một số ngành, địa phương còn lúng túng. Sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ thể của hoạt động nâng cao NSCL còn chưa chủ động, tích cực. Nguyên nhân của mặt hạn chế nêu trên là do bản thân doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của “năng suất chất lượng”, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh. Mặt khác, đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất cũ, còn yếu kém về trình độ quản lý sản xuất, nên chưa tin tưởng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL.

Ngoài ra, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia NSCL còn hạn chế. Kinh phí đầu tư cho Chương trình còn hạn hẹp; nhiều địa phương không có điều kiện đầu tư hoặc chưa ưu tiên đầu tư kinh phí cho Dự án. Các dự án hầu hết sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học, chưa huy động được các nguồn kinh phí khác, vai trò, trách nhiệm và vốn đối ứng của doanh nghiệp tham gia dự án chưa nhiều.

Để Thập niên chất lượng tiếp theo thiết thực và Chương trình 712 lan tỏa rộng hơn, tác động tích cực vào nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, giai đoạn tới, Chương trình 712 cần được thực hiện thế nào thưa Thứ trưởng?

Trong thời gian tới, ngoài những mục tiêu của giai đoạn II trong chương trình đề ra, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền liên tục, sâu rộng với nội dung thiết thực, cụ thể về NSCL, đặc biệt tập trung vào đối tượng doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao NSCL, doanh nghiệp sẽ chủ động tiếp thu và thực hiện các giải pháp cải tiến NSCL một cách có hiệu quả. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động NSCL, huy động sự tham gia của các đoàn thể, hiệp hội, các hội, của mọi tổ chức và cá nhân vào hoạt động NSCL, lấy chất lượng làm chuẩn mực của mọi hoạt động, xây dựng nền văn hoá chất lượng của Việt Nam.

Cần thiết phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát và động viên, khuyến khích kịp thời của Lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương. Bởi thực tế cho thấy những địa phương, doanh nghiệp có được thành công trong phong trào, hoạt động NSCL, thì cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương, doanh nghiệp đó thực sự đã quan tâm đến vấn đề NSCL và gương mẫu thực thi trách nhiệm, sự cam kết của mình đối với hoạt động nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi quản lý. Thời gian tới, cần thiết phải hình thành các chương trình, các phòng chuyên môn về NSCL ở các tập đoàn, các tổng công ty lớn của Nhà nước.

Đẩy mạnh đào tạo, NSCL đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng. Phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình với các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội khác của các Bộ, ngành, địa phương có cùng mục tiêu là NSCL, chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của ngành, địa phương để hiệu quả của hoạt động được nâng lên hơn nữa.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Nam VietQ.vn

Tin mới