Đào tạo trực tuyến đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ hiện nay. Với việc thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng ở Việt Nam, đào tạo trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường hội nhập toàn cầu.
Đào tạo trực tuyến (E-learning) – Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
Trong thế giới hiện đại và vận động liên tục như hiện nay, thời gian trở thành tài sản quý báu hơn bao giờ hết. Cùng một lúc, con người muốn học tập, làm việc và trải nghiệm cuộc sống trong khi quỹ thời gian là có hạn. Chính vì vậy, phương pháp học tập truyền thống dần được thay thế bằng những hình thức đào tạo mới tiên tiến giúp người học có thể chủ động học tập bất cứ lúc nào, bất cử ở đâu.
Đào tạo trực tuyến là một cuộc cách mạng học tập trong thời đại công nghệ số và cách mạng công nghiệp 4.0. Nó xóa nhòa ranh giới địa lý, làm cho việc học tập trở nên chủ động hơn, dễ dàng hơn bao giờ hết thông qua một công cụ duy nhất là chiếc điện thoại thông minh hoặc một máy tính cá nhân. Qua phương pháp này, người học dễ dàng tiếp cận với cộng đồng người học đông đảo và kho kiến thức khổng lồ.
Đào tạo kiến thức năng suất chất lượng qua mạng Interner (Web-based traing)
Đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng đã được tổ chức theo hình thức truyền thống, thông qua đào tạo tập trung và đào tạo tại doanh nghiệp, tuy nhiên, đây là những hình thức cần có kinh phí tổ chức và chi phí đi lại cũng như số lượng người tham gia mỗi khóa rất hạn chế. Nhận thấy những hạn chế này, Viện Năng suất Việt Nam đã thực hiện dự án “Đào tạo kiến thức năng suất chất lượng qua mạng Internet (Web-based training)” thuộc Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc “Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tạo cơ hội cho nhiều hơn các bạn sinh viên, cán bộ doanh nghiệp và những người quan tâm có thêm cơ hội tiếp cận và cập nhật các thông tin tri thức về năng suất chất lượng.
Đào tạo kiến thức năng suất chất lượng qua Internet – Giải pháp gián tiếp tăng năng suất
Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 USD, chỉ xấp xỉ bằng 5% của Singapore, 20% của Malaysia, 35% của Thái Lan, 50% của Philippines và Indonesia. Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã tăng đều qua các năm (năm 2016 tăng 5,31% so với năm 2015) nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực ASEAN.
Nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp do xuất phát điểm của nền kinh tế nước ta thấp. Mức trang bị máy móc thiết bị cho 1 lao động rất thấp, đang trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa và tin học hóa; hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi còn yếu; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chất lượng đào tạo chưa cao; vốn đầu tư xã hội hàng năm cho 1 lao động rất thấp; ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
Ngoài ra, nguyên nhân khác là do chậm đổi mới mô hình sản xuất cơ bản của nền kinh tế (sản xuất nông nghiệp chủ yếu là phương thức hộ sản xuất cá thể, không liên kết; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; sản xuất công nghiệp một phần đáng kể là gia công, lắp ráp).
Tuy nhiên, phải kể đến nguyên nhân chủ quan làm năng suất lao động của Việt Nam chưa có sự tăng trưởng vượt bậc ở thời điểm hiện tại đó là nhận thức và kiến thức về năng suất chất lượng của lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động còn rất hạn chế. Đây là thực trạng không thể giải quyết một sớm một chiều vì kinh nghiệm và kiến tri thức cần được tích lũy và truyền bá trong nhiều năm, nhưng với công cụ Internet, chúng ta hy vọng rút ngắn thời gian thu hẹp khoảng cách này.
Chương trình đào tạo Web-based traning về năng suất chất lượng tại địa chỉ Website: www.elearning.gov.vn; www.daotao-nscl.eprodata.vn được triển khai thực hiện từ năm 2013, đã thu hút hàng trăm học viên đến từ các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi loại hình trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, góp phần mở rộng quy mô và đối tượng tham gia học tập, tìm hiểu kiến thức về năng suất và chất lượng.
Với sự nỗ lực của nhóm thực hiện dự án cũng như những chuyên gia trong ngành năng suất chất lượng, Viện Năng suất Việt Nam mong muốn góp một phần nhỏ công sức vào Phong trào năng suất và chất lượng trong cả nước cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên con đường hội nhập toàn cầu.
Nguồn: http://vietq.vn/