Đánh giá TPM tại công ty CP Gang Thép Cao Bằng

Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất phôi thép từ quặng sắt.  

Từ tháng 01 năm 2019 công ty CP Gang thép Cao Bằng tham gia chương trình thực hiện TPM (Duy trì hiệu suất tổng thể) với các trụ cột Bảo trì tự quản (AM), Bảo trì theo kế hoạch (PM) và Cải tiến tập trung (FI) tại phân xưởng Thiêu kết.

Một điều thuận lợi cho ban TPM là công ty đang duy trì rất tốt 5S – nền tảng cho TPM. Công ty đã thực hiện 5S từ tháng 4 năm 2018 theo chương trình Hỗ trợ kỹ thuật của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương. Hoạt động 5S của công ty đã được Bộ Công Thương cấp chứng chỉ ghi nhận tham gia chương trình. Tại công ty, các hoạt động 5S được phổ biến đến toàn bộ nhân viên và duy trì hiệu quả đến nay (tháng 9 năm 2019) mang lại hiệu quả tích cực tại các phân xưởng Tuyển khoáng, Thiêu kết, Luyện gang, Luyện thép, Cơ điện và Năng lượng vân tải.

Tham gia Chương trình hỗ trợ thực hiện TPM của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, công ty đã được hỗ trợ gồm:

Ngày 1: Đào tạo lý thuyết TPM; Hướng dẫn thực tế tại xưởng về Các tổn thất tại máy Thiêu kết; Tự bảo dưỡng; Bảo dưỡng định kỳ; và Cơ hội cải tiến tại phân xưởng Thiêu kết.

Ngày 2: Hướng dẫn về các biểu mẫu về Thẻ đỏ, ảnh Trước – Sau và bài học 1 điểm (OPL); Biểu mẫu thống kê số thẻ đỏ, phân tích; Biểu mẫu tính chỉ số OEE; Biểu mẫu tính MTTR (Mean time to repair) và MTBF (Mean time between repair). Sau đào tạo, cán bộ của các phân xưởng hiểu về hoạt động treo thẻ đỏ và thu thập dữ liệu.

Ngày 3: Thành viên ban TPM được đào tạo về trụ cột Bảo dưỡng có kế hoạch với các nội dung: Các hình thức bảo trì; 16 tổn thất ảnh hưởng; Cách tính OEE; Cách tính MTTR; Cách tính MTBF; 5 giai đoạn phát triển bảo trì phòng ngừa; 7 bước thực hiện  bảo trì phòng ngừa.

Ngày 4: Tư vấn hướng dẫn trục tiếp hoạt động tự bảo trì tại Phân xưởng Thiêu kết về nội dung thẻ đỏ, OPL; Đào tạo về Chỉ tiêu/Mục tiêu; và hướng dẫn hoạt động Tự Bảo Trì (làm quản lý trực quan theo các bài học một điểm OPLs, làm tài liệu đào tạo…). Sau đào tạo, cán bộ TPM của phân xưởng có thể Thiết lập cây tổn thất / Loss Tree; dùng biểu đồ xương cá để tìm nguyên nhân gây lỗi về đề xuất các đề tài cải tiến.

Ngày 5: Huấn luyện trụ cột HSE (An toàn – Sức khỏe – Môi trường), trong đó tập trung vào nội dung An toàn tại thiết bị, an toàn khi vận hành máy; xác định và cảnh báo các điểm rủi ro không an toàn.

Ngày 6: Hướng dẫn trụ cột PM nâng cao, gồm nội dung Phân tích các tổn thất (theo biểu đồ Cây tổn thất); Hình thành các đội cải tiến tại phân xưởng; Thực hiện quy trình cải tiến tại phân xưởng.

Ngày 7: Đánh giá về 3 trụ cột AM, PM và FI. Kết quả đánh giá đạt điểm yêu cầu (72%).

Các ngày tư vấn cách nhau trung bình một tháng để đảm bảo thành viên ban TPM có thời gian triển khai, đánh giá cách làm của từng trụ cột TPM.

Sau buổi đánh giá, ban lãnh đạo phân xưởng Thiêu kết tổng kết các kết quả đã đạt được, ghi nhận lợi ích mà hoạt động TPM mang lại cho phân xưởng, và cam kết sẽ tiếp tục triển khai TPM mạnh mẽ tại phân xưởng Thiêu kết, tạo điển hình để nhân rộng ra các phân xưởng khác trong công ty GTCB.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới