Ngày nay, công nghệ thông tin (CNTT) đang hiện diện và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Việc ứng dụng CNTT là một công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực quản lý.
Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT trong chiến lược phát triển của đơn vị, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) luôn quan tâm áp dụng CNTT vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Một trong số những hệ thống được đánh giá cao và áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả là hệ thống “Quản lý sản xuất” (QLSX) được áp dụng tại Xưởng sản xuất điện tử.
Hệ thống kiểm soát thông tin của sản phẩm từ khi mới bắt đầu đưa vào sản xuất đến kết thúc vòng đời của sản phẩm. Bằng cách cung cấp các thông tin và kiểm soát ở mức cao, toàn bộ quy trình sản xuất được làm minh bạch, rõ ràng, cho phép thu thập thông số của sản phẩm trong quá trính sản xuất. Hệ thống QLSX thu thập và theo dõi dữ liệu thời gian thực giúp cải thiện, chuẩn hóa quy trình sản xuất, kiểm soát các công đoạn của quá trình sản xuất được chặt chẽ hơn, nâng cao năng suất. Nhờ có nguồn thông tin, tạo điều kiện phân tích rất chính xác từ đó tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết các vấn đề tồn tại trong sản xuất từ đó có các hướng đi đúng đắn trong quá trình thực hiện các cải tiến, loại bỏ được các vấn đề còn tồn đọng và quản lý sản xuất một cách khoa học hơn, hiệu quả hơn.
Toàn bộ các sản phẩm của CPCEMEC được sản xuất tại Xưởng sản xuất điện tử như công tơ DT01P-RF, DT01P80-RF, DT03M-RF, thiết bị DCU, ROUTER… đều được kiểm soát bởi hệ thống này. Với số lượng sản xuất trên 3.000 sản phẩm/ngày, công tác kiểm soát theo sổ và giấy theo phương pháp thủ công rất mất thời gian và vất vả trong việc điều hành, tổng hợp số liệu và gây nhầm lẫn, tốn nhiều thao tác thừa ảnh hưởng đến năng suất lao động. Quá trình sản xuất và bảo hành sản phẩm được chia thành 09 công đoạn. Tại mỗi công đoạn sản xuất công việc khá phức tạp, một vài công đoạn phải sử dụng nhiều công cụ khác nhau để thực hiện xử lý, nên khó kiểm soát được thời gian thực hiện, công nhân nào làm tại những công đoạn, không kiểm soát được lỗi trong quá trình sản xuất, việc tìm kiếm công tơ cũng rất khó, giữa các công đoạn không có tính kế thừa và tạo nên dây chuyền xử lý khép kín.
Chính vì những nguyên nhân trên, việc áp dụng CNTT vào quy trình sản xuất công tơ và tối ưu lại từng công đoạn sản xuất là rất quan trọng. Giải quyết được vấn đề này sẽ giảm thiểu rất nhiều về thời gian và giấy tờ, nâng cao được năng lực quản lý tại từng bộ phận cũng như cấp quản lý tại Xưởng sản xuất điện tử và cũng như trong CPCEMEC. Việc áp dụng hệ thống QLSX vào dây chuyền sản xuất đem lại các lợi ích:
– Chuẩn hóa và đơn giản hóa quy trình quản lý sản xuất để nâng cao hiệu quả công việc.
– Xác định ngay lập tức các vấn đề xảy ra trong dây chuyền sản xuất, loại bỏ những vấn đề còn tồn tại và hỗ trợ kiểm soát chất lượng.
– Các thông số của sản phẩm, người làm, thời gian làm tại từng bộ phận được kiểm soát một các chặt chẽ khoa học trong cả vòng đời của sản phẩm. Chỉ có những sản phẩm đạt mới chuyển sang bộ phận kế tiếp, những sản phẩm không đạt sẽ chuyển sang bộ phận sửa chữa và có chi tiết lỗi kèm theo trên hệ thống giúp người sửa chữa thực hiện một các dễ dàng, tất cả đều thực hiện tự động nhằm tránh sự can thiệp trái phép do con người gây ra.
– Cung cấp dữ liệu thời gian thực một cách chính xác theo từng bộ phận (Số lượng theo kế hoạch, số lượng đã sản xuất đến thời điểm hiện tại, số lượng lỗi…) từ đó giúp người quản lý ngay tức thời đưa ra quyết định điều chỉnh, phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hợp lý có hiệu quả trong dây chuyền sản xuất.
– Các công đoạn sản xuất lập trình, hiệu chỉnh, già hóa, kiểm định, đóng gói,… được thực hiện tự động làm giảm khối lượng công việc và hạn chế lỗi của con người gây ra, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và tăng độ chính xác, tiết kiệm được chi phí quản lý doanh nghiệp
– Giảm thời gian quản lý và theo dõi đơn hàng, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.
– Cung cấp các báo cáo phân tích dễ hiểu, đầy đủ thông tin để góp phần vào việc quản lý sản xuất và quy hoạch tài nguyên.
– Loại bỏ hoàn toàn các hoạt động ghi chép bằng giấy tờ sang hệ thống số giúp tiết kiệm chi phí đơn vị.
– Cung cấp dữ liệu đầy đủ cho các công cụ cải tiến như 5S, Kaizen, bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm để không ngừng cải tiến năng suất chất lượng.
Việc áp dụng CNTT vào dây chuyền sản xuất tại Xưởng sản xuất điện tử đã góp phần rất lớn vào việc điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động.
Văn phòng NSCL tổng hợp