Các nhà sản xuất hàng may mặc của Bangladesh đang gia tăng việc sử dụng các công nghệ hiện đại để tăng năng suất, cung cấp sản phẩm đúng thời hạn và đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm chất lượng cao từ các thương hiệu và các nhà bán lẻ toàn cầu.
Một số nhà sản xuất vải địa phương thậm chí đã đi thêm một bước nữa, khi họ sử dụng công nghệ robot và máy móc hiện đại. Công ty TNHH dệt Envoy là một ví dụ. Công ty này sử dụng robot trong quá trình sản xuất vải denim nhằm tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Việc sử dụng công nghệ robot đảm bảo năng suất cao hơn và chất lượng sợi tốt hơn. Mặc dù khoản đầu tư ban đầu cho các công nghệ phức tạp khá cao, nhưng nhờ khả năng tăng năng suất và cải thiện chất lượng, việc đầu tư máy móc hiện đại là hoàn toàn xứng đáng”, ông Kutubuddin Ahmed, Chủ tịch của Envoy Group nói.
Envoy đã đưa thiết bị robot vào sử dụng tại khu vực kéo sợi từ cuối tháng 10 năm ngoái để tạo ra loại sợi chất lượng cao. Công ty Envoy được thành lập năm 2008 tại Bhaluka, sản xuất 4 triệu mét Anh sợi denim một tháng và sử dụng 2.400 lao động.
“Ngoài việc sử dụng nhiều máy móc mới nhất để kéo sợi và dệt, Envoy đã sử dụng 14 robot autoconers trong khu vực kéo sợi tại nhà máy ở Bhaluka để sản xuất ra 55 tấn sợi denim mỗi ngày”, ông Kutubuddin Ahmed – Chủ tịch của Envoy Group cho biết. Công ty đã bắt kịp xu hướng mới nhất toàn cầu trong công nghệ kéo sợi từ bông.
“Nếu sợi bị đứt trong quá trình kéo, các robot sẽ ngay lập tức nối nó lại và do đó việc sản xuất không bị gián đoạn”, Ahmed nói trong khi giải thích về lợi ích của công nghệ robot.
“Nếu việc này được thực hiện bằng tay, phải mất rất nhiều thời gian và rất nhiều người mới hoàn thành thao tác này. Do vậy đây là một thiết bị tinh vi mà con người hầu như không thể làm như nó được”, ông nói.
“Thông thường, mỗi một máy cần hơn 10 công nhân vận hành, như vậy vừa làm tăng chi phí, vừa gây lãng phí thời gian”, theo một nhà điều hành của Envoy. “Với một máy robot thay thế, chỉ cần một người duy nhất là đủ để giám sát quá trình sản xuất khi mọi thứ được tự động hóa. Tuy nhiên cần một số chuyên gia để vận hành hệ thống”, Ahmed cho biết.
Chủ tịch Envoy cho biết ông đang sử dụng các máy móc thiết bị tinh vi trong mọi giai đoạn của quá trình sản xuất tại nhà máy của mình. Trong năm tới, công ty có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất hàng may mặc gần nhà máy sản xuất vải denim để sản xuất mặt hàng quần áo từ vải riêng của mình.
Hiện nay, Envoy cung cấp sợi và vải cho các khách hàng trong nước và quốc tế. Công ty xuất khẩu sợi và vải đến hơn 10 quốc gia như Ai Cập, Sri Lanka, Ấn Độ, Đức, Indonesia, Kenya, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia và Nepal.
Ahmed, một trong những người tiên phong trong ngành công nghiệp sợi denim cho biết, với những thay đổi về phong cách thời trang, ngành kinh doanh demin toàn cầu có rất nhiều triển vọng. Tuy nhiên, sản phẩm denim cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các sản phẩm may mặc khác.
Ông cho biết ngành công nghiệp denim ở Bangladesh sẽ phát triển hơn nữa khi các doanh nhân mới đang thâm nhập ngành này với kế hoạch đầu tư lớn. Hiện nay, Bangladesh có 30 nhà máy denim với năng lực sản xuất hàng năm là 435 triệu thước Anh và tổng mức đầu tư là hơn 1 tỷ $.
Nhu cầu hàng năm cho các sản phẩm denim là 800 triệu thước Anh và số lượng các nhà máy may mặc sử dụng denim ở Bangladesh là 530. Giá trị thị trường denim toàn cầu là hơn 56,20 tỷ $ và dự kiến đạt 64,10 tỷ $ vào năm 2020. Bangladesh là nước xuất khẩu denim lớn nhất sang EU và lớn thứ ba sang Mỹ. Xuất khẩu denim được kỳ vọng sẽ mang lại 7 tỷ $ mỗi năm cho đất nước này.
Văn phòng NSCL tổng hợp