Công ty CP May Nam Hà: Thành công nhờ áp dụng mô hình cải tiến năng suất tổng thể

Năng suất lao động tăng 23%; doanh thu tăng 17%; tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng giảm 12% so với năm 2018 là những kết quả nổi bật trong năm 2019 của Công ty Cổ phần May Nam Hà khi áp dụng mô hình cải tiến năng suất tổng thể với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và Viện Năng suất Việt Nam (VNPI).

Là một trong những doanh nghiệp (DN) đi đầu của ngành dệt may Việt Nam, May Nam Hà đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như: ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen. Nhận thấy cải tiến năng suất, chất lượng là hoạt động liên tục, năm 2018-2019, với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và VNPI, công ty tiếp tục xây dựng một mô hình nâng cao năng suất chất lượng tổng thể.

Theo bà Nguyễn Thị Lê Hoa – Trưởng phòng Nghiên cứu Năng suất, cũng như nhiều mô hình cải tiến năng suất chất lượng khác, mô hình nâng cao năng suất tổng thể của May Nam Hà được triển khai dựa trên cách tiếp cận chu trình P-D-C-A. Công ty đã lựa chọn các giải pháp như: Cải tiến hiệu quả máy móc; cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động… Nhờ đó, năng suất tổng thể của DN đã tăng lên 23%.

Cụ thể, công ty đã thay đổi trách nhiệm rải chuyền, đầu tư phần mềm quản lý sản xuất, sử dụng để thiết kế sắp xếp chuyền tối ưu. Kết quả, thời gian chuyển đổi mã hàng đã giảm từ 2 – 3 giờ trước đây xuống còn 30 – 60 phút từ mã đơn giản đến phức tạp, tổng thời gian chuyển đổi giảm từ 8 giờ xuống 4 giờ.

Tại hệ thống chuyền treo thông minh, chuyên gia đã tổ chức đào tạo lại lao động, bố trí thiết bị theo dạng dòng chảy…; nhờ đó, đã nâng tỷ lệ lên chuyền từ 40% lên 80%. Song song với đó, công ty cũng thống nhất tiêu chuẩn cho từng mã hàng và hệ thống hóa các lỗi cuối chuyền, trong chuyền, đưa ra biện pháp phòng, chống lỗi bằng Kaizen để hạn chế việc lỗi lặp lại và hạn chế làm lại (rework) trong chuyền. Kết quả, tỷ lệ lỗi đã giảm từ 12% xuống 7,6%. Đối với tổ sản xuất, sau khi cải tiến tại chuyền điểm 15, năng suất mã hàng 8202 đã tăng lên từ 500 sản phẩm lên 630 sản phẩm/ngày (tăng 25%) với số lao động 18 người…

Bên cạnh đó, công ty cũng phối hợp với đơn vị cung cấp thiết kế phần mềm chuyên dụng nhằm xây dựng quy trình cải tiến năng suất chuyền may. Nhờ đó, sản xuất thực tế đã tăng từ 70% lên 85% so với kế hoạch ban đầu, góp phần tăng năng suất lao động lên 30%…

Theo ông Đoàn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà, công ty sử dụng tất cả các công cụ cải tiến năng suất trước đó đã áp dụng và khắc phục, cải tiến ở tất cả những bộ phận, công đoạn, khâu sản xuất. Bằng nhiều nỗ lực, năng suất lao động của công ty năm 2019 đã tăng 23%, doanh thu sản xuất tăng 17%, thu nhập bình quân người lao động tăng 23%, tỷ lệ sản phẩm lỗi khi kiểm xuất giảm được 13% so với năm 2018… Tác động nhiều nhất trong tăng năng suất lao động là sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ và hoàn thiện hệ thống quản trị. Đối với DN may sử dụng nhiều lao động, yếu tố con người được xem là quan trọng nhất.

Ông Đoàn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà chia sẻ: Việc tạo ra các động lực cải tiến là một quá trình liên tục, bền bỉ. Đó là điều mà chúng tôi rút ra được trong suốt chặng đường 10 năm hành trình cải tiến liên tục bắt đầu từ hệ thống ISO 9001 đến công cụ nền tảng như 5S hoặc TPM. Mỗi mô hình và công cụ đã đóng góp một phần cho sự thành công của công ty ở một giai đoạn phát triển nhất định.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin mới