Công ty Chế tạo máy 3C: Chế tạo thiết bị thông minh hỗ trợ sản xuất

Để những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có cơ hội bứt phá trong sản xuất, Công ty TNHH Chế tạo máy 3C (gọi tắt Công ty 3C) đã đồng hành bằng những nghiên cứu và chế tạo các thiết bị thông minh hỗ trợ cho sản xuất.

Dành 3 năm chỉ tập trung nghiên cứu công nghệ nền tảng, đồng thời kết hợp với mạng lưới chuyên gia về robot trong và ngoài nước, đến nay Công ty 3C đã cho ra đời hệ sinh thái Robot 3T với nhiều dòng robot ứng dụng theo từng nhóm ngành, với phương châm đơn giản nhưng vẫn đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của doanh nghiệp. Đơn cử như robot cấp phôi cho máy dập, nếu sản phẩm này nhập từ nước ngoài sẽ có giá từ 15.000 – 30.000 USD/thiết bị, còn sản phẩm của Công ty 3C chỉ từ 3.000 – 5.000 USD/thiết bị. Tính ra, doanh nghiệp tiết kiệm được từ 5 – 6 lần chi phí đầu tư so với thiết bị nhập nhưng năng suất cao hơn các sản phẩm nhập khẩu, bởi thiết bị được tối ưu hóa, phù hợp với ứng dụng của từng ngành nghề cụ thể; bên cạnh đó, chất lượng và sự đồng đều của sản phẩm cũng là thế mạnh của hệ sinh thái Robot 3T.

Công ty 3C đã trở thành doanh nghiệp được Sở Khoa học – Công nghệ TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng tài trợ thực hiện sản xuất thử nghiệm 6 vật tư và phụ kiện cấu thành nền tảng Robot 3T nhằm thúc đẩy lĩnh vực công nghệ, sáng tạo cho TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, đầu năm 2018, hệ sinh thái Robot 3T đã được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học Công nghệ) tài trợ đề tài nghiên cứu, thiết kế và chế tạo robot công nghiệp phục vụ tự động hóa các công đoạn trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí SME tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp SME trong nước có nhu cầu áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất công nghiệp nhưng chi phí nhập khẩu các giải pháp công nghệ ở nước ngoài về Việt Nam quá đắt. Đó là rào cản rất lớn để các doanh nghiệp SME chuyển hướng tự động hóa trong sản xuất… Từ thực tế đó, Công ty 3C đã tập trung nghiên cứu các robot được tối ưu hóa các ứng dụng phù hợp với từng lĩnh vực sản xuất, chi phí đầu tư hợp lý, gỡ khó cho bài toán đầu tư mà nhiều doanh nghiệp SME đang vướng phải.

Hiện thế giới đã bước vào thời đại của công nghiệp 4.0, muốn phát triển, các doanh nghiệp không thể nằm ngoài dòng chảy này. Tuy nhiên, các nước phát triển có nền tảng về công nghiệp 3.0 vững chắc nên nền tảng để ứng dụng tiếp công nghiệp 4.0 rất thuận lợi. Trong khi đó, ở nước ta, các doanh nghiệp SME vẫn sử dụng công nhân để sản xuất, nhiều doanh nghiệp nền tảng công nghiệp 3.0 gần như bằng không, dẫn tới một lỗ hổng rất lớn về công nghệ.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin mới