Thời gian qua cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế lớn, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Xu hướng tất yếu
Câu chuyện của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, tỉnh Bến tre là một ví dụ. Phát triển năm 1997, từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ với vốn đầu tư chỉ vài chục triệu đồng, thành viên không đến 10 người, máy móc chủ yếu tự cải tiến với công suất chỉ 3.000 tấn/năm, nhưng nay doanh nghiệp này đã có hơn 700 người, doanh thu năm 2013 là 170 tỷ đồng, năm 2016 tăng lên gần 840 tỷ đồng, xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ dừa như: Dầu dừa, nước cốt dừa, cơm dừa sấy khô, nước dừa đóng lon… đến hàng chục nước trên thế giới.
Có được kết quả đó là nhờ doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ và nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước. Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty Chế biến Dừa Lương Quới cho biết, giai đoạn từ năm 2011 đến 2012 giá dừa thấp nhất khoảng 40.000đồng/12 trái dừa, nhiều người dân có xu hướng chặt bỏ, không gắn bó với cây dừa.
Với mục tiêu làm chủ hoàn thiện công nghệ chiết tách VCO, nâng cao chất lượng VCO phục vụ xuất khẩu, qua đó tạo giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm từ dừa và ổn định thu nhập cho người trồng dừa ở Bến Tre và vùng Tây Nam Bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Trung tâm sinh học thực nghiệm – Viện ứng dụng công nghệ thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt”.
Nhiệm vụ thuộc “Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020“, do TS Nguyễn Phương làm chủ nhiệm. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao, ứng dụng thành công tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Thông qua dự án, bằng công nghệ tách dầu dừa tinh khiết từ dừa tươi theo phương pháp ly tâm không sử dụng nhiệt độ cao, không sử dụng hóa chất đã giải quyết vấn đề nâng cao giá trị cho sản phẩm dừa, tạo ra được sản phẩm dầu dừa tinh khiết (VCO – Virgin Coconut Oil) chất lượng đạt chuẩn quốc tế (theo tiêu chuẩn của Hiệp hội dừa châu Á – Thái Bình Dương – APCC).
Nhờ đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất nói trên đã giúp nâng cao 25% giá trị cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết khi xuất khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội dừa Bến Tre, năm 2016 Việt Nam xuất khẩu 193 tấn VCO/năm (VCO công nghệ ép lạnh), và nay với dây chuyền công nghệ hiện tại, năng suất 5.000 tấn/năm đã giúp tăng năng lực xuất khẩu lên 26 lần.
Sản phẩm VCO được cấp US FDA đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ và BRC food vào thị trường EU. Hiện nay sản phẩm VCO của Công ty đã có mặt tại thị trường: Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Đức, Anh…
Nguồn: Luongquoi.vn