Bằng phương pháp sử dụng công nghệ điện từ trường thay cho các giải pháp làm sạch vật lý hay hoá học, những cáu cặn có trong các hệ thống đường ống, lò hơi của doanh nghiệp sẽ được sẽ được xử lý triệt để và an toàn hơn.
Từ trước đến nay, cáu cặn vẫn luôn là một nỗi ám ảnh cho các nhà vận hành hay những kỹ sư bảo trì hệ thống. Đường ống thông thường sau một thời gian làm việc sẽ xuất hiện những lớp cặn bám vào trong thành ống. Trong đó, các dạng cáu cặn thường gặp nhất là Canxi carbonate, Canxi sulfate và cặn Silic. Đặc điểm của các loại cáu cặn này là hệ số dẫn nhiệt của chúng thấp hơn nhiều lần so với kim loại làm ống. Do đó, lớp cáu căn này sẽ làm giảm khả năng trao đổi nhiệt của hệ thống, dẫn tới tăng chi phí nhiên liệu. Ngoài ra hệ thống có nhiều cáu cặn còn tiềm ẩn nguy cơ hỏng hóc, giảm tuổi thọ cùng nhiều hậu quả kinh tế khác.
Có thể lấy một số ví dụ cụ thể như:
- Ở trong một dàn ngưng, nếu một lớp cáu cặn xuất hiện ở thành trong ống ngưng sẽ làm giảm khả năng ngưng tụ của dàn. Từ đó để có thể ngưng tụ hoàn toàn hơi trong ống, lượng nước mà dàn ngưng sử dụng sẽ bắt buộc phải tăng lên.
- Trong lò hơi ống nước, nếu trong thành ống xuất hiện cáu cặn thì sẽ làm giảm khả năng trao đổi nhiệt giữa nước và khói sinh ra trong quá trình đốt. Từ đó muốn đạt đủ áp suất hơi cũng như công suất của lò thì đương nhiên lượng nhiên liệu phải tiêu tốn nhiều hơn, lượng nhiệt mất mát trong khói thải sẽ tăng lên.
Từ đó có thể thấy rằng, công việc làm sạch và loại bỏ cáu cặn là rất quan trọng và công việc này cần phải được tiến hành một cách định kỳ. Hiện nay những phương pháp chủ yếu được áp dụng đó là dùng chất tẩy chống cáu cặn, hóa chất chống ăn mòn… để pha trực tiếp vào trong nguồn nước. Bên cạnh đó là các biện pháp vật lý như rửa cao áp, rửa ozon, mài mặt trong… Tuy nhiên, những phương pháp này đều có giá thành cao, tác hại của hóa chất sử dụng lưu lại khá lớn nên không an toàn cho con người và môi trường. Ngoài ra, thiết bị còn có thể bị ăn mòn, giảm tuổi thọ nhanh cũng như tốn nhiều thời gian để thực hiện.
Nguyên lý hoạt động của công nghệ xử lý cáu căn điện từ trường (nguồn internet)
Trước tình hình đó, công nghệ sử dụng sóng điện từ áp dụng định luật LOZENTZ để xử lý cáu cặn thay cho các phương pháp hóa học, vật lý như hiện nay đã ra đời. Nguyên lý của công nghệ này là tạo ra một môi trường điện từ cảm ứng trong lòng ống với các tần số từ 3 Khz đến 32 Khz thay đổi liên tục 20 lần trong 1 giây sẽ cung cấp năng lượng thích hợp để ion hóa nước và các chất gây cáu cặn, rỉ sét như: Ca, Mg, Si, Fe, Mn làm cho các chất này mất khả năng bám dính trên đường ống.
Những ưu điểm lớn nhất mà công nghệ này mang lại đó là:
- Không phải tháo mở, ngừng hoạt động lò hơi, thiết bị
- Xử lý cáu cặn, rỉ sét không cần dùng hóa chất
- Không tốn nhiều chi phí cho nhân công
Với công nghệ xử lý mới an toàn và hiệu quả, rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã sử dụng và đều đạt được kết quả tốt. Từ đó, góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu những nguy hại do cáu cặn gây ra. Có thể kể đến các đơn vị đã áp dụng như:
- Công ty ADC-PHARMA – Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Trí Danh – Kiên Giang
- Công ty CP Điện hơi công nghiệp Việt Nam/Vinaiges – Cần Thơ
- Công ty CP Vĩnh Hoàn – Đồng Tháp
- Công ty CP Chế biến thực phẩm XK Phú Thịnh – Hậu Giang
- Nhà máy Capsule Vĩnh Long
Văn phòng NSCL tổng hợp