Công nghệ thực tế tăng cường đã tác động đến ngành công nghiệp sản xuất như thế nào? (Phần 2)

Bên cạnh việc tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất, việc sử dụng AR cũng giúp cải thiện đáng kể hiệu suất của các quy trình liên quan như thiết kế, theo dõi và bảo dưỡng…

1. Hỗ trợ theo dõi và bảo dưỡng.

Đối với công việc theo dõi, bảo dưỡng, sửa chữa trong môi trường công nghiệp, công nghệ thực tế tăng cường AR giúp cải thiện thời gian thực hiện nhiệm vụ và hỗ trợ phát hiện lỗi. Airbus đã triển khai công nghệ tích hợp AR để cải thiện quy trình quản lý chất lượng của họ từ năm 2011. Nhà cung cấp công nghệ AR (SART) giúp các nhân viên bảo trì xác định các thành phần bị lỗi cần sửa chữa hoặc thay thế bằng cách sử dụng hình ảnh kỹ thuật số được hiển thị trên nền của hệ thống thực.

2. Hỗ trợ thiết kế.

Các nhà phát triển sử dụng AR trong khâu thiết kế của các hệ thống sản xuất. Họ có thể nhanh chóng đưa ra những thay đổi trong thiết kế của sản phẩm trước khi đi vào sản xuất. Những nhà thiết kế sản phẩm tại Ford đang sử dụng kính thông minh của Microsoft (Microsoft Hololens) để thực hiện thay đổi thiết kế cho xe hơi từ năm 2017. Theo truyền thống, các mô hình bằng đất sét sẽ được xây dựng trước và được sử dụng cho các hoạt động thiết kế xe. Kính Hololens cho phép các nhà thiết kế có một góc nhìn khác hơn với việc hiển thị mô hình kỹ thuật số đè lên phiên bản thực tế. Quy trình này giúp giảm thời gian và chi phí phát triển sản phẩm hơn rất nhiều so với việc sử dụng mô hình đất sét như trước.

3. Cải thiện năng suất lao động.

Công nghệ thực tế tăng cường cũng có thể được triển khai trên các thiết bị di động sử dụng trong môi trường công nghiệp, qua đó giúp công nhân tăng năng suất lao động trong các công việc như lắp đặt hệ thống, giám sát và xử lý sự cố. Cung cấp những dữ liệu chính xác khi cần thiết chính là điểm mạnh của thiết bị di động được tích hợp công nghệ AR. Những thông tin này sẽ được hiển thị chồng lên trên góc nhìn của người sử dụng, giúp họ có thể vừa theo dõi thông tin vừa tiếp tục công việc của mình mà không gặp phải trở ngại gì. Năm 2017, GE đã ghi lại và so sánh 2 trường hợp kỹ thuật viên của họ thực hiện lắp đặt hệ thống dây điện của tuabin gió trong khi sử dụng công nghệ AR và khi không sử dụng. Kết quả cho thấy kỹ thuật viên khi sử dụng thiết bị tích hợp AR có hiệu suất làm việc cao hơn đến 34% so với trường hợp không sử dụng.

Nhìn chung, với tiềm năng hoạt động đa tác vụ trong nhiều môi trường khác nhau, công nghệ thực tế tăng cường hứa hẹn sẽ trở thành một mắt xích không thể thiếu trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong thời đại bùng nổ công nghệ 4.0 như hiện nay.

Văn phòng NSCL biên dịch

Tin mới