Chúng ta đang ở giai đoạn trung tâm cuộc cách mạng thông tin và truyền thông (công nghệ số) lớn nhất lịch sử loài người. Hơn 40% dân số thế giới đang sử dụng internet và con số đó đang tăng lên từng ngày.
Với nhiều người, tiếp cận công nghệ số đã mang lại thêm nhiều lựa chọn và tiện lợi. Công nghệ số thúc đẩy hoà nhập, hiệu suất, và đổi mới sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội mà trước đây người nghèo và những đối tượng thiệt thòi không thể với tới được. Đó là những thông tin từ Bản Báo cáo phát triển 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố có chủ đề “Lợi ích số”.
“Cuộc cách mạng số đang chuyển đổi thế giới, hỗ trợ dòng chảy thông tin, và tạo điều kiện phát triển cho các quốc gia biết cách tận dụng những cơ hội mới này”, ôngKaushik Basu, Chuyên gia Kinh tế Trưởng của WB nói.
Ông Deepak Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng, đồng tác giả báo cáo này cho biết, WB đánh giá Việt Nam đang ứng dụng rất tốt công nghệ số so sánh với các nước đang phát triển. Sự cải thiện về ứng dụng công nghệ ở Việt Nam ở mức toàn diện. Việt Nam cũng đang tiếp tục đầu tư vào công nghệ để phát triển xã hội tri thức. “Tôi đánh giá rất cao việc cố gắng trở thành một xã hội tri thức dựa vào việc sử dụng công nghệ”, ông nói.
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Nội dung số, kiêm Chủ tịch Tập đoàn công nghệ thông tin FPT, Trương Gia Bình tự hào cho biết Việt Nam hiện có tên trong nhóm dẫn đầu của hai mảng trong lĩnh vực công nghệ thông tin là gia công phần mềm và phát triển ứng dụng di động.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức nước ngoài, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ và chỉ đứng sau Trung Quốc về gia công phần mềm; và đứng đầu khu vực ASEAN về phát triển các ứng dụng trên di động. Ông cho biết tới đây sẽ cùng Hội DN trẻ Việt Nam thúc đẩy phát triển công nghệ số qua việc hỗ trợ DN khởi nghiệp
“Chính phủ Việt Nam rất ý thức và rất chú trọng vào việc đưa ra những chủ trương, chính sách để khuyến khích mạnh mẽ phát triển công nghệ số. Việt Nam coi CNTT là một công cụ đặc biệt để giúp Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn và bền vững hơn”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. Ông đã nhắc lại những ngày đầu “đấu tranh” giữa luồng quan điểm phát triển CNTT, mở cửa cho internet với nỗi lo quản lý để ngăn “độc hại”. Ông cũng chỉ ra thành tựu đất nước đạt được ngày nay, trong đó có sự đóng góp quan trọng của CNTT.
Nhưng Việt Nam vẫn còn đang bị kêu ca nhiều, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm tối… cũng bởi hạ tầng CNTT kém, do nhiều ngành, nhiều nơi áp dụng CNTT chưa tốt. Phó Thủ tướng kêu gọi “Chính phủ không thể làm một mình, tôi gửi gắm tới DN CNTT phát triển vì lợi ích của DN mình và vì trách nhiệm xã hội tạo ra hệ sinh thái để tất cả các DN mọi người dân nhất là người dân nghèo người ở vùng sâu vùng xa tiếp cận được CNTT, kết nối internet và sử dụng điện thoại di động nhiều hơn”.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam khuyến nghị: Đến nay, khu vực công của một số nơi chưa đủ năng lực để thực hiện dự án đầy hoài bão về công nghệ số. Sẽ cần có những chương trình nghị sự lớn thúc đẩy cải cách trong môi trường kinh doanh, nâng cao kỹ năng hiệu quả quản trị… Đây là điều Việt Nam cần tính tới trong việc xác lập sự phát triển của mình.
Đầu tư vào hạ tầng cơ bản, giảm chi phí kinh doanh, gỡ bỏ rào cản thương mại, nâng đỡ DN khởi nghiệp, nâng cao năng lực cơ quan quản lý cạnh tranh, và tạo điều kiện cạnh tranh giữa các nền tảng số là một số biện pháp được đề xuất. Các biện pháp đó sẽ giúp DN nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo hơn.
Bên cạnh đó cần đào tạo kỹ năng kỹ thuật và cho trẻ em làm quen sớm với công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ CNTT và tác động lên lựa chọn nghề nghiệp. Công nghệ số có thể chuyển đối các nền kinh tế, xã hội và thể chế công, nhưng sự thay đổi không hề diễn ra tự động. Các nước đầu tư vào công nghệ số và các yếu tố bổ trợ tương tự sẽ giành được kết quả tương xứng, nước nào không làm như vậy sẽ bị tụt hậu.