Khuôn mẫu được xem là “Nền tảng của nền công nghiệp”, hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp như điện tử – bán dẫn, hàng không, phương tiện giao thông vân tải, bao bì, gia dụng… Bởi vì lẽ đó mà Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã tiến hành nghiên cứu thiết kế, chế tạo khuôn mẫu cho một số chi tiết ô tô tải.
Qua 3 năm, Thaco đã làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo 3 loại khuôn mẫu điển hình dùng trong công nghiệp ô tô: khuôn dập liên hợp, khuôn dập vuốt và khuôn ép phun.
Đa số các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam đều có sản lượng khá thấp, đặc biệt là xe tải, trong khi muốn phát triển công nghiệp sản xuất khuôn mẫu thì sản lượng sản phẩm phải đủ lớn. Là một trong những doanh nghiệp đầu tàu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, với mục tiêu sau năm 2019, Thaco sẽ sản xuất vượt mốc 120.000 xe/năm, trong đó có trên 50% là xe tải, như vậy vấn đề phát triển công nghiệp sản xuất khuôn mẫu để tăng tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe tải của Thaco là khả thi. Để giải quyết vấn đề này, Thaco đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai đề tài KH&CN cấp nhà nước “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo khuôn mẫu cho một số chi tiết ô tô tải”. Sau 3 năm thực hiện, Thaco đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến.
Thaco lựa chọn thiết kế 3 loại khuôn cho linh kiện ô tô điển hình là khuôn liên hợp dùng để chế tạo các chi tiết cùm ống xả xe tải, khuôn dập vuốt dùng để chế tạo các chi tiết khung xương đệm ngồi ghế lái xe và khuôn ép phun dùng để chế tạo các chi tiết mặt ga lăng cho cabin xe tải. Đây là 3 loại chi tiết có cấu trúc phức tạp và sử dụng các loại vật liệu khác nhau, được thiết kế trên bộ phần mềm NX Unigraphics Siemens, công nghệ gia công sử dụng máy phay 3/5 trục CNC. Điểm đặc biệt là, việc thiết kế chế tạo khuôn của 3 loại chi tiết này sẽ cho phép triển khai ra các chi tiết, linh kiện khác của các loại xe tải và xe bus của Thaco.
Trên cơ sở làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo khuôn cho nhiều chi tiết, linh kiện xe tải, điển hình là xe tải nhẹ KIA Frontier, Thaco đã ứng dụng kết quả nghiên cứu để sản xuất hàng loạt khuôn cho các loại chi tiết của tất cả các dòng xe tải khác. Công nghệ đã góp phần nâng tỷ lệ nội địa hóa của xe, hàm lượng giá trị khu vực RVC của 3 sản phẩm, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa toàn xe lên 0,906%; tăng hàm lượng công nghệ sản xuất đối với cả 3 loại khuôn dập liên hợp, dập vuốt và ép phun lên lần lượt 56, 41 và 53%.
Công nghệ sản xuất khuôn mẫu góp phần giúp Thaco giảm giá thành sản phẩm từ 25 đến 29% so với giá khuôn nhập ngoại có chất lượng tương đương, giúp hạ giá thành sản xuất các chi tiết từ 3 loại khuôn này từ 12 đến 18%, không chỉ giúp Công ty tạo ra nhiều việc làm mới, từng bước giành lại thị phần trong nước, mà xa hơn nữa sẽ góp phần hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ (Cluster) cho công nghiệp ô tô nói riêng, ngành công nghiệp cơ khí của đất nước nói chung, phục vụ hiệu quả mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô Việt trên thị trường nội khối ASEAN.