Công nghệ RFID và những ứng dụng trong sản xuất

Công nghệ RFID hiện nay vẫn là một khái niệm khá xa lạ với nhiều công ty Việt Nam. Tuy vậy, trong những năm gần đây, RFID đã được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ, logistic giúp nâng cao năng suất,… Dưới đây, bài viết xin cung cấp một cái nhìn tóm tắt về công nghệ RFID, những ứng dụng của công nghệ này và hiệu quả mang lại trong sản xuất.

Công nghệ RFID là gì?

Có thể định nghĩa một cách tóm tắt RFID (Radio Frequency Identification) là công nghệ “Nhận dạng qua tần số vô tuyến”, sử dụng sóng vô tuyến để truyền dữ liệu từ các tag (thẻ) RFID tới đầu thu RFID. Những dữ liệu thu được từ hệ thống cảm biến sẽ được xử lý giúp hệ thống đưa ra được những phán đoán chính xác.

Hiện nay, tag RFID được phân làm hai loại phổ biến là thụ động và chủ động. Loại thẻ RFID thụ động là loại thẻ có mạch thu thập năng lượng từ các sóng vô tuyến của máy đọc RFID phát ra khi truy vấn, và dùng năng lượng này phát sóng mang mã thông tin của thẻ. Loại thẻ RFID chủ động là loại thẻ có pin giúp cung cấp nguồn năng lượng để luôn duy trì thẻ hoạt động.

Lịch sử phát triển?

RFID được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ truyền dẫn sóng vô tuyến. Do đó, việc Guglielmo Marconi đã truyền thành công tín hiệu radio đi xa 14 km bằng sóng vô tuyến điện vào năm 1897 được coi là một mốc lịch sử đầu tiên.

Vào những năm 1930, hệ thống thiết bị phận biệt Địch – Ta (Friend or Foe) bằng sóng vô tuyến trong lĩnh vực quân sự ra đời là tiền đề đầu tiên của công nghệ RFID. Trong suốt thập niên 50, các ứng dụng của sóng Radio trong việc nhận diện vật thể vẫn chỉ chủ yếu tập trung trong lĩnh vực quân sự, các phòng nghiên cứu và các doanh nghiệp lớn với các hệ thống thiết bị to lớn cồng kềnh. Tuy vậy đến cuối những năm 60, đầu 70, công nghệ RFID đã bắt đầu được ứng dụng rộng hơn với các hệ thống RFID đơn giản hóa với nhiệm vụ phát hiện vật thể.

Với việc công nghệ sản xuất phát triển trong thập niên 70, các hệ thống thẻ RFID đã được tích hợp lên một mạch IC với nhiều tính năng được bổ sung như bộ nhớ lưu trữ, tăng tốc độ đọc thẻ,… Từ những thành quả này, trong thập niên 80 và 90, công nghệ RFID đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thương mại, sản xuất, chăn nuôi,… Những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, công nghệ RFID đã phát triển vượt bậc trên toàn cầu với số lượng tăng trưởng theo hàm mũ.

Ứng dụng của RFID trong sản xuất

Bằng sự hỗ trợ của công nghệ RFID, rất nhiều công việc được thực hiện bởi con người đã được thay thế bằng hệ thống với hiệu suất cao hơn và chính xác hơn. Ví dụ:

• Trong việc quản lý kho, hệ thống RFID được sử dụng để phân loại dễ dàng các loại vật tư, sản phẩm trong kho thông qua hệ thống tag RFID được gắn lên từng vật tư và thiết bị đọc tag RFID. Các dữ liệu thực tế của kho như vị trí, số lượng, phân loại sẽ được thu thập thông qua hệ thống RFID và đưa về lưu trữ, hiện thị tại hệ thống máy chủ của kho. Từ đó các thao tác xuất nhập kho được kiểm soát nhanh và hiệu quả hơn.

• Trong sản xuất các sản phẩm theo dây truyền, hệ thống RFID được sử dụng để thay thế thẻ Kaban giúp kiểm soát tốt hơn dây truyền sản xuất, xác định rõ bán thành phẩm đang được gia công ở công đoạn nào và kiểm soát được theo thời gian thực. Ngoài ra, việc kiểm soát này cũng giúp tránh các lỗi phát sinh hoặc sự tồn đọng bán thành phẩm trên dây truyền.

• Trong việc bảo quản, vận chuyển các sản phẩm tới hệ thống tiêu thụ, hệ thống RFID được sử dụng cho quá trình theo dõi nhiệt độ, độ ẩm với nhiệm vụ truyền những dữ liệu này về trung tâm kiểm soát. Từ những dữ liệu này sẽ giúp kiểm soát tốt các sản phẩm ở điều kiện tối ưu…

Với sự phát triển theo trào lưu cách mạng công nghệ 4.0, trong thời gian sắp tới RFID và các ứng dụng của công nghệ này sẽ tiếp tục được áp dụng giúp hình thành nên nhiều nhà máy thông minh.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới