“Có nhiều yếu tố tác động tới năng suất chất lượng sản phẩm, tuy nhiên để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm thì không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải ứng dụng, nâng cao và đổi mới khoa học công nghệ. Sở dĩ tôi nhấn mạnh đến vấn đề này, bởi khoa học công nghệ chính là yếu tố then chốt quyết định đến năng suất chất lượng sản phẩm”.
Đó là nhận định của ông Phạm Đình Vũ – Phó chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – VCCI tại Chương trình giao lưu trực tuyến: “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2014: Hơn cả sự tôn vinh” do Tạp chí Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp về việc làm gì để nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp mình, ông Vũ cho rằng, để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm thì không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải ứng dụng, nâng cao và đổi mới khoa học công nghệ. Bởi khoa học công nghệ chính là yếu tố then chốt quyết định đến năng suất chất lượng sản phẩm. “Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa” – ông Vũ nói.
Ông Vũ lấy dẫn chứng, theo một khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ, phần lớn các doanh nghiệp nước ta, chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh, đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình thế giới từ 2-3 thế hệ; có 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập về thuộc thế hệ những năm 70; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang… Nhóm ngành sử dụng công nghệ cao mới đạt khoảng 20%, trong đó tỷ lệ này ở Singapore là 73%, Malaysia là 51% và Thái Lan là 31% (tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hóa-hiện đại hóa là trên 60%).
Cũng theo ông Vũ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển nhanh chóng và bền vững. Thực tế này đang đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam những yêu cầu cấp bách về đổi mới công nghệ (bao gồm cả phần cứng – máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất và phần mềm – con người và thông tin), nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo được ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Có thể khẳng định rằng, đổi mới công nghệ là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công.
Bên cạnh đổi mới công nghệ, việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp, chính sách chất lượng trong doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao cũng như đảm bảm tính ổn định của chất lượng sản phẩm.
Định vị doanh nghiệp
Cũng tại buổi giao lưu, nhiều doanh nghiệp đã đặt câu hỏi liên quan đến Giải thưởng Chất lượng Quốc gia như lợi ích khi tham gia giải thưởng, giải thưởng có tác động như thế nào đối với hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước…Trả lời các vấn đề trên, ông Phó Đức Sơn – Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho rằng, khi tham gia giải thưởng, doanh nghiệp sẽ xây dựng được một chuẩn mực trong hoạt động quản lý và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội, đồng thời tạo lòng tin với khách hàng, đối tác, cơ quan quản lý nhà nước cũng như nâng cao uy tín, hình ảnh và thương hiệu của mình trên thị trường. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhận diện một cách rõ nét những điểm yếu, điểm mạnh của doanh nghiệp, thông qua đó doanh nghiệp tự hoàn thiện hệ thống quản lý của mình thông qua các yêu cầu của tiêu chí giải thưởng.
Đồng ý kiến, ông Vũ cho hay, việc tham gia giải thưởng Chất lượng quốc gia sẽ mang lại cho doanh nghiêp 3 lợi ích: Thứ nhất, việc tham gia giải thưởng Chất lượng quốc gia sẽ là các cơ hội tốt để các doanh nghiệp định vị lại bản thân mình, nhận diện một cách rõ nét hơn những điểm mạnh, điểm yếu trên cơ sở đó có những bước đi phù hợp trong quá trình phát triển. Thứ 2, ngoài việc được tôn vinh, khen thưởng ở cấp quốc gia, việc tham gia giải thưởng này sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu với khách hàng và đối tác ở trong nước cũng như ngoài nước. Thứ 3, việc tham gia giải thưởng Chất lượng quốc gia vừa tạo động lực, mặt khác cũng giống như một sự nhắc nhở đối với các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp đạt giải thưởng không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là Giải thưởng nằm trong Hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương. Giải này không chỉ tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia còn giúp doanh nghiệp tự đánh giá lại mình để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, là động lực, sinh khí mới thôi thúc doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sóng gió của khủng hoảng. |
Hồ Hường