Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ vào hệ thống hậu cần (logistics) không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong việc quản lý mà còn góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng.
Đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc ứng dụng này sẽ giúp tạo lợi thế cạnh tranh vượt bậc. Trước đây, tại diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017, số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy chi phí logistics ở Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20% GDP nhưng tỷ trọng đóng góp của ngành này vào GDP mới chỉ khoảng 3%. Điều này cho thấy, ngành logistics tại Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả do gặp phải những trở ngại lớn.
Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất rằng cước vận chuyển cao như hiện nay là một trong những rào cản lớn nhất. Cụ thể, theo một nghiên cứu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đưa ra cho thấy, chi phí vận chuyển một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Chưa kể, để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng, các doanh nghiệp còn cần tổ chức được một hệ thống quản lý thông minh để thực hiện các yêu cầu giao hàng khẩn và công cụ quản lý tình trạng đơn đặt hàng hiệu quả, giảm sai sót và tiết kiệm thời gian, tối đa hóa lợi nhuận, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuỗi cung ứng. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để vươn ra hoạt động thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp này còn gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận và triển khai những công nghệ sản xuất, cung ứng dịch vụ và quản lý hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, không ít trường hợp các doanh nghiệp có vốn để đầu tư vào công nghệ, nhưng lại lựa chọn công nghệ không phù hợp hoặc triển khai không hiệu quả gây trở ngại trong quá trình sử dụng và thực hiện về sau.
Ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam để trở thành ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân đến năm 2025. Đây được coi là cơ sở pháp lý để nhìn nhận vai trò của logistics không chỉ gắn liền với hoạt động kho vận, giao nhận vận tải, mà còn là việc sắp xếp dòng chảy nguyên, vật liệu từ nhà cung ứng đến nhà sản xuất.
Sau đó, luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng và cuối cùng, tạo nên sự liên thông trong toàn xã hội để tối ưu hóa chi phí luân chuyển và lưu kho. Vì vậy, đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu đánh giá đúng tầm quan trọng của logistics cũng như ứng dụng hệ thống logistics một cách hợp lý sẽ giúp mở rộng thị phần, phát triển kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giảm được áp lực cạnh tranh từ các công ty lớn trong và ngoài nước.
Đơn cử, công ty DK Sportswear, công ty phân phối trang phục, phụ kiện thể thao theo yêu cầu là doanh nghiệp nhỏ đang mở rộng phạm vi hoạt động sang thị trường Mỹ, nhờ vào việc hợp tác với công ty vận chuyển UPS, công ty này đã có những bước cải tiến đáng kể trong việc vận chuyển đến chăm sóc khách hàng. Chính việc sử dụng các công cụ quản lý công nghệ sáng tạo như phần mềm quản lý vận chuyển toàn cầu và hóa đơn thương mại điện tử, quy trình vận chuyển đi nước ngoài được tối ưu hoá, thủ tục khai hải quan và giảm thiểu tình trạng chậm trễ. Nhờ vào việc tích hợp các ứng dụng của UPS kiểu như vậy, DK Sportswear đã tiết kiệm hơn 1.280 giờ lao động hàng năm và tự tin hơn trong dự định mở rộng kinh doanh sang Mỹ và các thị trường khác trên thế giới.
Không khó để nhận ra rằng, việc ứng dụng đúng đắn công nghệ logistics vào hệ thống sản xuất sẽ giúp các công ty có được những bước tiến vượt trội.
Nguồn: vnmedia.vn