Công nghệ 4.0 – Hướng đi mới cho ngành dược phẩm (Phần 2)

Với công nghệ 4.0, các “nhà máy dược phẩm thông minh” sẽ không còn sản xuất dược phẩm theo lô (Batch Process) mà là một quá trình sản xuất liên tục được thực hiện bởi các thiết bị và công cụ thông minh có khả năng giao tiếp với nhau (Machine to Machine Communication) và với con người (Human Machine Interface).

Nhờ có mối liên hệ này, các dữ liệu thu thập được sẽ được lưu thông xuyên suốt toàn bộ hệ thống. Tiếp đó, “thuật toán đám mây” được hỗ trợ bởi công nghệ “chuỗi khối” (block chain) sẽ phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối dữ liệu liên kết với nhau để phục vụ mục đích phân tích. Và cuối cùng, Big data tự động đưa ra các thông báo, chỉ dẫn cho các nhà quản lý để hỗ trợ họ trong việc ra quyết định. Đối với ngành dược phẩm, các chỉ dẫn này đóng vai trò đáng kể trong việc cải thiện hiệu quả sản xuất, bởi dư địa cho việc cải tiến chất lượng là không nhiều.

Có 4 loại phân tích dữ liệu lớn:

  • Phân tích dữ liệu miêu tả (descriptive): mô tả những gì xảy ra ở quá khứ dựa trên những báo cáo bằng biểu đồ, hình ảnh, nhưng không giải thích tại sao và tiên đoán những gì sẽ xảy ra.
  • Phân tích dữ liệu chuẩn đoán (diagnostic): giải thích những gì đã xảy ra ở quá khứ.
  • Phân tích dữ liệu tiên đoán (predictive): tiên đoán những gì có thể diễn ra.
  • Phân tích dữ liệu quy luật (prescriptive): hệ thống quyết định phân tích và tiên đoán dữ liệu và đưa ra những khuyến cáo dựa trên những kết quả phân tích được.

Nhờ có chúng, các nhà quản lý không còn đau đầu vì phải làm việc với một lượng lớn dữ liệu mà chỉ cần đưa ra quyết định dựa trên những phân tích sẵn có. Các gợi ý không chỉ giúp giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn đưa ra những hướng đi mới cho doanh nghiệp để cải thiện quy trình sản xuất. Hướng tiếp cận này đã mở ra nhiều tiềm năng cải tiến mới cho doanh nghiệp dược phẩm.

Bên cạnh Big data, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là một công nghệ đáng được nhắc tới. Ngày càng có nhiều công ty dược phẩm liên kết với các công ty khởi nghiệp với định hướng nghiên cứu dược phẩm và tiếp cận chuyên môn thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Việc sản xuất thuốc sẽ trở nên nhất quán và dễ dàng hơn với những kinh nghiệm hiện có, đồng thời giảm thiểu được những khuyết tật trong sản phẩm do những công đoạn thủ công.

Trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng trong nghiên cứu và phát triển thuốc theo nhiều cách – để phát triển các chẩn đoán tốt hơn hoặc tìm các dấu ấn sinh học mới; để xác định các mục tiêu điều trị; và để thiết kế các loại thuốc mới. Một trong những ứng dụng phổ biến nhất là định hướng lại các loại thuốc: khám phá các chỉ định mới của các thuốc đang có hoặc tìm các thuốc mới cho các bệnh nhân giai đoạn cuối. Với trí tuệ nhân tạo, khi tiến hành thử nghiệm thuốc ở phase II cho một chỉ định khác, chúng ta không cần lặp lại các thử nghiệm phase I hay các thử nghiệm độc tính, điều này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Có thể nói, trí tuệ nhân tạo nói riêng và các ứng dụng công nghệ 4.0 nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể để thúc đẩy y học phát triển.

Văn phòng NSCL biên dịch

Tin mới