Đối với ngành dược phẩm, chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp càng cải thiện tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ càng gặp nhiều khó khăn và tốn kém để có thể tiếp tục cải tiến. Kết quả là các doanh nghiệp này đã phải bỏ ra nhiều chi phí và công sức hơn để tạo ra lợi ích gia tăng và giá trị gia tăng cho bệnh nhân, dẫn đến giảm lợi tức đầu tư tổng thể. Nói cách khác, các cải tiến có giá thấp và sinh lợi nhiều nhất luôn được thực hiện trước, và sau đó nó trở nên ngày càng khó khăn hơn để tiếp tục cải thiện.
Một biện pháp để các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng này chính là áp dụng các ứng dụng công nghệ 4.0 để hoạt động hiệu quả hơn, đưa ra nhiều quyết định theo hướng dữ liệu hơn và sử dụng các công cụ phân tích tiên đoán thông minh hơn.
Tại nhiều nhà máy dược phẩm lớn hiện nay, công nghệ phân tích quy trình (PAT: Process Analytical Technology) đã được thảo luận rất nhiều và thử nghiệm ở quy mô pilot trong các tập đoàn và công ty dược phẩm hàng đầu.
Tuy chưa được áp dụng rộng rãi ở quy mô lớn nhưng việc áp dụng rộng rãi các công nghệ này giờ đây chỉ còn là vấn đề thời gian. Sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thiết bị thông minh được kết nối, hoặc nói như thuật ngữ công nghệ thông tin, được “nhúng” (embedded) vào các quá trình và công nghệ sản xuất dược phẩm để thu thập các dữ liệu và thông tin một cách “tức thời” (Real Time), ví dụ trong các nhà máy được điều hành bằng hệ thống SCADA (Supervisory Control and Data Acquisition), để thay thế cho việc thực hiện các phép kiểm tra chất lượng theo truyền thống.
Dưới đây là một số lợi ích mà mà các doanh nghiệp dược phẩm có thể đạt được khi ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất:
Quản lý và lưu trữ dữ liệu hiệu quả hơn
Những ứng dụng quản lý dự liệu như Big data, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT) đã khẳng định vị thế của mình không chỉ riêng với ngành dược phẩm, mà còn với toàn ngành công nghiệp nói chung. IoT thông qua các cảm biến có khả năng ghi chép cả dữ liệu chính xác trong thời gian thực, giúp giảm tối đa các sai số trong quá trình phân tích và tiết kiệm được nguồn nhân lực cho hoạt động này.
Nhờ công nghệ Big data, một lượng lớn dữ liệu điện tử về thông số, mẫu mã, tình trạng sản xuất của các loại dược phẩm sẽ được tạo ra và lưu trữ tại kho dữ liệu số thay vì phải xây dựng các kho để lưu trữ văn bản dữ liệu. Theo đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm đáng kể chi phí lưu kho và tìm kiếm, tra cứu dữ liệu trong thời gian ngắn nhất.
Không chỉ vậy, thông qua việc quản lý tốt dữ liệu, quá trình phân tích dữ liệu để thực hiện cải tiến cũng trở nên thuận lợi hơn. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu vấn đề này trong phần sau của bài viết.
Văn phòng NSCL biên dịch