Không chỉ chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý, thời gian qua, Công đoàn Dệt may Việt Nam (CĐDMVN) còn chú trọng nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động (NLĐ), giúp họ phát huy tinh thần làm việc và sử dụng thành thạo các thiết bị tiên tiến…
CĐDMVN hiện đang quản lý 122 công đoàn cơ sở, với hơn 131.000 đoàn viên (ĐV). Thực hiện Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của ĐĐV và NLĐ” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giai đoạn 2013 – 2016, đã có 81.332 ĐV và công nhân lao động (CNLĐ) trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc hệ thống CĐDMVN được đào tạo nghề; 79.467 ĐV và CNLĐ được thi tay nghề; 38.226 công nhân viên chức lao động được học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ…
Những đơn vị tiêu biểu của ngành có nhiều nỗ lực trong việc đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ thời gian qua. Chỉ trong 4 năm (2013 – 2016), đã có 3.706 CNLĐ của Tổng công ty Cổ phần Dệt may Nam Định được đào tạo tay nghề, 2.241 CNLĐ được thi tay nghề, 200 CNLĐ được bồi dưỡng tay nghề. Tại Tổng công ty May 10, trong 4 năm qua, có 9.899 công nhân được đào tạo tay nghề, 9.899 công nhân được thi tay nghề, 250 CNLĐ được bồi dưỡng tay nghề; 3.493 CNLĐ Công ty Cổ phần Dệt may Huế được đào tạo tay nghề, 3.911 CNLĐ được thi tay nghề và 416 CNLĐ được bồi dưỡng tay nghề…
Đối với ngành dệt may, trình độ tay nghề là tài sản quý. Thời gian qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã duy trì thường xuyên hội thi thợ giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tập đoàn qua các năm đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ, giúp họ phát huy tinh thần làm việc và sử dụng thành thạo các thiết bị tiên tiến. Qua mỗi cuộc thi thợ giỏi, đã phát hiện thêm nhiều “bàn tay vàng” góp phần nâng cao năng suất cho ngành dệt may.
Tuy được đánh giá là ngành có nhiều “bàn tay vàng”, “lao động sáng tạo”… song theo nhận định của các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là thách thức hiện hữu đối với lao động Việt Nam, trong đó tác động mạnh tới lao động trong ngành dệt may và giày dép. Do trình độ của phần lớn NLĐ trong những ngành này hiện chỉ phù hợp với khâu gia công, còn rất yếu trong khâu yêu cầu trình độ cao. Vì vậy, nếu không được đào tạo lại và đào tạo bài bản thì nguy cơ hàng chục nghìn lao động trong ngành dệt may bị thất nghiệp là điều hoàn toàn xảy ra.
Trước những thách thức và yêu cầu đặt ra trong thời đại kỹ thuật số, để góp phần nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ, thời gian tới, các cấp CĐDMVN đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp, như: Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ nhằm thúc đẩy và nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ; đổi mới hoạt động của tổ chức CĐ trong việc nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức NLĐ. Tăng cường phối hợp với người sử dụng lao động trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cho NLĐ và vận động NLĐ tham gia học tập, nâng cao thu nhập. Đưa nội dung nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp cho CNLĐ vào thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để NLĐ chủ động tham gia học tập…
Theo Tổ chức Lao động quốc tế, nếu không được đào tạo bài bản thì khoảng 86% lao động cho các ngành dệt may và giày dép của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. |
Nguồn: baocongthuong.com.vn