“Áp dụng các công cụ quản lý trong hoạt động sản xuất – kinh doanh giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tận dụng nguồn nhân lực, tối ưu các công đoạn sản xuất. Việc triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020” theo Quyết định 712/QĐ-TTg được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Đó là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương. Từng bước áp dụng tiêu chuẩn Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, “nhằm thực hiện Quyết định 712, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai dự án Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng để giới thiệu những mô hình cơ bản kiểm soát chất lượng. Dự án được thực hiện qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2012-2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016-2020 với kinh phí cho mỗi giai đoạn từ 300-400 tỷ đồng”. Giai đoạn 1 nhằm mục tiêu xây dựng 500 doanh nghiệp mẫu áp dụng tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng. Chi phí đào tạo và tư vấn sẽ được hỗ trợ một phần từ kinh phí của dự án, doanh nghiệp phải chịu chi phí triển khai nội bộ. Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn thì đến thời điểm này mục tiêu 500 doanh nghiệp sẽ khó đạt được bởi giai đoạn 2012-2015, nền kinh tế trong và ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể nguồn ngân sách phân bổ chậm. Giai đoạn 2 sẽ nhân rộng trên hơn 10.000 doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực trên cả nước. Lợi ích từ áp dụng công cụ quản lý theo tiêu chuẩn trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh hàng hóa, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu. Đối với những công cụ mang tính công nghệ cao sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp dịch vụ. Những công cụ mang tính phổ cập thì sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng) và TPM (duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể), dự án cũng sẽ thí điểm 6 công cụ quản lý khác là ISO 9001:2008 (Hệ thống quản lý chất lượng cho các ngành sản xuất); ISO 22000 (Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm); QC 7 tools (7 công cụ cơ bản kiểm soát chất lượng); ISO 50001 (Hệ thống quản lý năng lượng); ISO/IEC 27001 (Hệ thống quản lý an toàn thông tin) và Lean (Phương pháp sản xuất tinh gọn).
Những doanh nghiệp “đầu tàu” Ông Nguyễn Phú Cường cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay, cùng với đó là thiếu đội ngũ chuyên gia hỗ trợ nhưng nhiều doanh nghiệp đã chủ động từng bước áp dụng các công cụ quản lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Nếu như kinh tế Việt Nam trước đây dựa vào vốn và các dự án cơ sở hạ tầng để phát triển, thì nay sẽ phải dựa vào việc tăng năng suất”. Tiêu biểu, tại Công ty Thủy điện Sông Tranh, ngay tháng đầu tiên của năm 2015, công ty đã vui mừng đón nhận Chứng chỉ thực hành tốt 5S cho phạm vi các khu vực hoạt động của công ty, bao gồm khối văn phòng điều hành ở TP.Đà Nẵng và khu vực Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam). Sau gần 6 tháng triển khai, Chứng chỉ thực hành tốt 5S được hoàn thành với sự tư vấn, hướng dẫn tận tình, chuyên nghiệp của các chuyên gia tư vấn từ Viện Năng suất Việt Nam về áp dụng 5S trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nói chung và lĩnh vực sản xuất, cung ứng điện năng nói riêng. Đây là nền tảng quan trọng trong lộ trình hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết bài toán năng lượng cho phát triển bền vững của nền kinh tế – xã hội. Trong khi đó, tại Công ty May Hưng Nhân thuộc Tổng công ty Đức Giang, công ty đã áp dụng các hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001 và SA 8000. Trước áp lực về cạnh tranh, lãnh đạo Tổng công ty Đức Giang đã áp dụng LEAN để nâng cao năng suất trong các công ty thành viên, trong đó có May Hưng Nhân. Bằng việc tối ưu hóa các công đoạn sản xuất, hàng tồn trên chuyền và chậm ra hàng đã được xử lý triệt để, nhờ đó công ty đã giảm được 75% hàng tồn trên chuyền. Đồng thời, công ty cũng đã áp dụng tốt 5S để xây dựng môi trường làm việc khoa học, sạch đẹp, an toàn và là nền tảng cho các hoạt động cải tiến năng suất. Qua đó, năng suất lao động của May Hưng Nhân đã tăng từ 15-20% so với trước. Còn tại Công ty May Nam Hà, sau khi áp dụng mô hình thí điểm TPM tại doanh nghiệp, công ty chỉ mất 2,5 ngày vào chuyền, rút ngắn so với 4 ngày như trước kia, thời gian sửa chữa giảm xuống còn 1.800-2.100 phút. Như vậy đã giảm đáng kể chi phí lao động và thời gian cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, công ty đã nâng năng suất lao động lên từ 20-30%. Có thể thấy, việc áp dụng các công cụ quản lý là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và hơn cả là đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho doanh nghiệp và xã hội./.
Thu Hường_VEN