Cơ hội tiếp cận công nghệ mới ngành dệt may

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Cục Xúc tiến Đầu tư và Thương mại vùng Flanders và Hiệp hội máy móc ngành Dệt may Vương quốc Bỉ (Symatex) tổ chức Diễn đàn “Giải pháp công nghệ Vương quốc Bỉ cho công nghiệp dệt may Việt Nam” vào ngày 21/6/2016 tại Hà Nội và ngày 22/6/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Diễn đàn có sự tham gia của 15 tập đoàn và doanh nghiệp đứng đầu thế giới về giải pháp công nghệ dệt may đến từ Vương quốc Bỉ.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngành dệt may được cho là đối tượng hưởng lợi từ các FTA này khi thuế suất giảm dần về 0% theo lộ trình.

Mặc dù vậy, để được hưởng lợi, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng quy tắc xuất xứ rất phức tạp, với EVFTA là từ vải, với TPP là từ sợi. Trong khi đó ngành dệt may Việt Nam đang nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu, phần lớn nhập từ các thị trường ngoài khối TPP và EVFTA. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho dệt may khó tận dụng được ưu đãi từ các FTA.

“Một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này là hợp tác với các nước công nghệ cao về dệt may. Công nghệ dệt may của Bỉ hiện nay không xa lạ bởi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chọn và sử dụng, đặc biệt là thiết bị dệt”, trích lời ông Trương Văn Cẩm. Diễn đàn được tổ chức đúng thời điểm sẽ giúp doanh nghiệp có sự lựa chọn công nghệ phù hợp.

Công nghiệp máy móc dệt may Vương quốc Bỉ hoạt động chủ yếu trong sản xuất vải nội thất (trải sàn thảm, bọc nội thất, nhung, trải bàn, trải giường…); dệt vải và dệt vải kỹ thuật.

Ngài Wouter Vanhees, Tham tán Thương mại và Đầu tư, Cục xúc tiến Đầu tư và Thương mại vùng Flanders (Vương Quốc Bỉ) cho biết thêm, các doanh nghiệp máy móc dệt may vùng Flanders luôn đi đầu về công nghệ và liên tục đứng trong Top 5 có ứng dụng được cấp bằng sáng chế. Flanders là vùng nổi tiếng với sản phẩm máy dệt thổi khí nhanh nhất thế giới, họ cũng luôn đứng đầu về công nghệ điện tử và công nghệ số trong kiểm tra, giám sát và điều khiển quá trình sản xuất dệt may.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Joroen Vist- Giám đốc Symatex- cho rằng, diễn đàn sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm hiểu thêm về sự phát triển và giải pháp mới nhất trong lĩnh vực dệt thoi và dệt jacquard, thiết bị hoàn tất và phủ ngoài… của Vương quốc Bỉ.

Diễn đàn còn là cầu nối cho những cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ. Đồng thời, sự kiện này còn giúp doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về các vướng mắc và đưa ra giải pháp công nghệ cho các vấn đề thực tế đang gặp phải.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới