Ngày 16/9 tại TP. Hồ Chí Minh, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đã phối hợp cùng Tập đoàn Messe Düssedorf tổ chức buổi hội thảo ngành bao bì thế giới. Buổi hội thảo cho tóm tắt tình hình phát triển, xu hướng của ngành bao bì Việt Nam cũng như giới thiệu về hội chợ Interpack 2017 sẽ tổ chức tại Đức vào năm sau.
Tham gia hội thảo có ông Bjoern Koslowski, Phó trưởng đại diện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Hiệp hội Bao bì Việt Nam, ông Bernd Jablonowski, Giám đốc Toàn cầu Hội chợ ngành Bao bì và Chế biến Thực phẩm – Messe Düsseldorf và ông Richard Clemens, Giám đốc Điều hành Hiệp hội máy Bao bì và Chế Biến Thực phẩm – VDMA của Đức cùng hơn 100 doanh nhân trong ngành công nghiệp bao bì Việt Nam đã thảo luận về sự phát triển của toàn ngành cũng như về Interpack 2017, nơi lý tưởng để các doanh nghiệp Việt Nam tự tin đầu tư vào công nghệ bao bì mới, tìm hiểu nguyên liệu mới, giới thiệu sản phẩm bao bì nhằm xúc tiến hoạt động xuất khẩu của mình
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia của Đức đã chia sẻ những đánh giá về sự phát triển, tiềm năng và định hướng trong tương lai cho ngành Bao bì Việt Nam. Đồng thời giới thiệu về lịch sử hình thành, các công nghệ hiện đại và xu hướng sản xuất mới, từ đó đề xuất các các giải pháp và công nghệ phù hợp đối với tiềm lực và nhu cầu của ngành bao bì Việt Nam.
Theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Sang – Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VIPAS) cho biết, ngành bao bì Viiệt Nam đang phát triển mạnh đặc biệt khi nhu cầu sản xuất hàng hoá tiêu dùng, thực phẩm và mở rộng xuất khẩu với những sản phẩm cần phải đóng gói. Hiện tại, có hơn 90% nhà máy bao bì, tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía nam. Theo số liệu của VDMA – Hiệp hội Bao bì và Chế biến thực phẩm, ngành bao bì Việt Nam sẽ phát triển 38% trong giai đoạn 2015 – 2020 trong khi nhu cầu về máy móc để phục vụ cho sự phát triển này cũng sẽ tăng 25%. Tuy nhiên những thách thức mà ngành Bao bì trong nước đang phải đối mặt đó là công nghệ chưa cao, khiến cho các doanh nghiệp chưa thực sự tham gia liên kết vào các chuỗi giá trị qua đó tạo ra bền vững lợi nhuận. Giải pháp hàng đầu được các chuyên gia đưa ra chính là sự thay đổi và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, áp dụng các vật liệu mới, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ông Bjoern Koslowski – Phó trưởng đại diện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, máy móc của CHLB Đức luôn được coi là sự lựa chọn hàng đầu và là sự đầu tư bền vững bởi chất lượng và công nghệ hiện đại tuy giá thành có cao hơn. Năm 2015, tổng giá trị máy móc của CHLB Đức phục vụ trong ngành bao bì được Việt Nam nhập về là 85 triệu EURO, chỉ đứng sau Trung Quốc (theo số liệu của VDMA).
Bên cạnh đó Ông Marko Walde, Trưởng Đại Diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam kỳ vọng rằng, buổi hội thảo chuyên đề lần này sẽ là nơi chúng ta cùng nhìn lại, đánh giá và định hướng cho sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp và của toàn ngành, tìm hiểu những công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất của Đức và các quốc gia khác, qua đó cải tiến công nghệ và quy trình nhằm mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường và từ đó phát triển bền vững.
Triển lãm Interpack 2017 lần này đánh dấu sự phát triển tích cực của ngành bao bì Việt Nam với tổng diện tích gian hàng dự kiến của doanh nghiệp Việt lên tới 150 m
2. Đây sẽ là cầu nối để Doanh nghiệp Việt vươn tới thị trường châu Âu nói riêng và thị trường thế giới nói chung, qua đó tiếp cận các công nghệ hiện đại tạo cơ hội tăng trưởng sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)