Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, công nghiệp cơ khí chế tạo gồm có các tiểu ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp đóng tàu, máy móc thiết bị chế biến nông lâm thủy sản, thiết bị toàn bộ, cơ điện tử, và cơ khí phụ trợ. Xét một cách tổng thể, ngành cơ khí chế tạo hiện vẫn đang còn là một điểm yếu trong toàn ngành công nghiệp Việt Nam.
Thực tế, Ngành vẫn chưa thể chế tạo ra được những sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh với thế giới và vẫn chỉ dừng lại ở mức gia công, lắp ráp sản phẩm, là nguyên nhân tạo ra giá trị gia tăng thấp. Thực vậy, theo số liệu báo cáo của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), năm 2014, bình quân giá trị gia tăng hàng công nghiệp/người của Việt Nam là 245 USD, trong khi mức bình quân của 10 nước ASEAN là 1.958 USD và bình quân 6 nước ASEAN là 2.708 USD
Những con số biết nói sau đây là minh chứng cho thấy, mặc dù đã trải qua hai thập kỷ đầu tư, phát triển nhưng kết quả đạt được còn kém xa so với mong đợi, chưa tương xứng với vai trò và mức độ đầu tư của nước ta. Đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô, nhà nước đã tạo điều kiện, chính sách thuế quan, hay khuyến khích đầu tư nước nước ngoài với mong đợi đến năm 2010 sẽ xây dựng được ngành công nghiệp ô tô vững ở Việt Nam, có thể tự sản xuất ô tô chuyên dụng và trên 60% nội địa hóa với xe con và xe chuyên dụng.
Tuy nhiên, thực tế thì chỉ đạt tỉ lệ nội địa hóa với xe con và xe chuyên dụng là 20 – 30%. Những lợi ích mà nước ta thu được trong giai đoạn này chỉ là những kinh nghiệm về quản lý và sản xuất. Hiện nay, phần lớn linh kiện, máy móc sản xuất ôtô vẫn nhập từ nước ngoài. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nước ta hàng năm vẫn nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị, linh kiện chiếm tới 80% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Nước ta đang có nhiều cơ hội để đầu tư phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo. Trước hết, Việt Nam đang hội nhập và mở cửa kinh tế với thế giới, là điều kiện để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhỏ đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh những chính sách hợp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tự vận động, chuyển mình phát triển, vươn lên cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Giải pháp đó là, Việt Nam cần chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc kỹ càng, ưu tiên cho những doanh nghiệp đầu tư về công nghệ, thiết bị sản xuất chứ không chỉ những doanh nghiệp gia công, lắp ráp tận dụng lợi thế giá nhân công và ưu đãi thuế quan như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, phải có biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động, chú trọng đào tạo, đãi ngộ với nguồn nhân lực trình độ kỹ thuật cao.
Tính tới nay, sau khi ký hiệp đinh TPP, đã có trên 66% doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn đầu tư vào Việt Nam và có kế hoạch mở rộng kinh doanh, theo nguồn thông tin từ Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản, JETRO. Hay như Tập đoàn SamSung của Hàn Quốc đã đầu tư xây dựng nhà máy lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam, Khu Công nghiệp Fumosa với công suất 7,5 triệu tấn/năm và thép Nghi Sơn 7 triệu tấn/năm … Như vậy Việt Nam hoàn toàn có thể hi vọng vào một tương lại sáng hơn của ngành công nghiệp cơ khí bằng những chính sách vĩ mô phù hợp và sự tự vận động của bản thân doanh nghiệp.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)