Theo khảo sát của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright từ năm 2000-2015, tiền lương ở Việt Nam tăng bình quân 10% mỗi năm trong khi năng suất lao động chỉ tăng 3%. Như vậy, có sự chênh lệch rất lớn giữa mức gia tăng chi phí lao động với mức gia tăng năng suất lao động. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững của các doanh nghiệp.
Năng suất của một doanh nghiệp có thể chịu tác động của nhiều yếu tố. Các yếu tố này có thể chia thành hai nhóm: Nhóm yếu tố bên ngoài bao gồm môi trường kinh tế thế giới, tình hình thị trường, cơ chế chính sách kinh tế của Nhà nước, các thay đổi về khí hậu và nhóm yếu tố bên trong bao gồm lao động, vốn, công nghệ , tình hình và khả năng tổ chức quản lý sản xuất.
Nhóm yếu tố bên trong nội bộ tổ chức hoàn toàn có thể thay đổi được nhờ các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, TPM, KPI, MFCA, BSC… Các công cụ cải tiến này là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm tăng năng lực nội tại của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Các điểm sáng cải tiến năng suất, chất lượng
Đã có khá nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công các công cụ cải tiến trên, giúp doanh nghiệp mình nâng cao năng suất từ 15-30%. Ví dụ như Công ty CNC – Vina, Hà Nội, qua các hoạt động cải tiến đã đạt kết quả tăng tỷ lệ các dự án thiết kế hoàn thành đúng tiếp độ giao hàng lên 19%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp cơ đúng tiến độ từ 22% lên 64%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp điện đúng tiến độ từ 11% lên 55%, giảm tỷ lệ tồn kho hàng chính hãng so với kho chung xuống dưới 20%, giảm giá trị hàng lưu kho chính hãng từ 1,586 tỷ xuống 1,216 tỷ đồng/tháng.
Công ty May Hưng Nhân – Tổng Công ty Đức Giang sau 06 tháng triển khai cải tiến đã đạt kết quả giảm 75% hàng tồn trên chuyền, giảm thời gian hàng ra chuyền từ 2 ngày xuống trong trong một ngày, thời gian hàng nhập kho từ 5 ngày xuống 1 ngày, năng suất chuyền may tăng 25-30%.
Công ty Cổ phần May Nam Hà, sau 6 tháng triển khai dự án cải tiến Kaizen, đã giảm được tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân tăng từ 415 sản phẩm/ngày lên 899 sản phẩm/ngày.
Số doanh nghiệp áp dụng thành công chưa nhiều
Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực tâm muốn làm, biết cách làm và áp dụng thành công các công cụ cải tiến, các hệ thống quản lý không nhiều. Có thể kể đến nhiều lý do, nhưng lý
do chính là vì sự chuẩn bị của doanh nghiệp để triển khai các công cụ, các hệ thống quản lý chưa đầy đủ. Trong nhiều dự án áp dụng công cụ hay hệ thống quản lý, thời gian triển khai ngắn nên chưa thấy được ngay hiệu quả (hiệu quả thường có đặc tính trễ, thường đạt được sau một thời gian triển khai đủ dài). Dẫn đến doanh nghiệp giảm dần nhiệt tình triển khai.
Theo ông Bùi Bình Thế, Viện trưởng Viện Chất lượng quản lý – đơn vị tư vấn, đào tạo về ISO và bộ 14 công cụ LEAN Manufacturing (sản xuất tinh gọn), đã có nhiều doanh nghiệp nói đến LEAN, áp dụng LEAN, nhưng tỷ lệ thành công chỉ khoảng 10%, số còn lại chỉ áp dụng hình thức, theo phong trào.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp
Theo PGS – TS Phạm Hồng – UVTV Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, giải pháp nâng cao hiệu quả cho các doanh nghiệp khi áp dụng các công cụ cải tiến thì nên tập trung vào hai việc, thứ nhất là tạo ra được các mô hình điểm, trong quá trình triển khai nhân rộng thì vai trò của tư vấn đối với doanh nghiệp không mang tính “cầm tay chỉ việc” nhiều. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn và trong quá tình triển khai tới các mô hình sẽ sâu sát và hiệu quả hơn.
Để giữ được lợi thế về lao động giá rẻ, doanh nghiệp cần phải tăng đáng kể năng suất lao động. Và để phát triển nhanh và bền vững, các doanh nghiệp phải áp dụng các công cụ cải tiến, các Hệ thống quản lý và đầu tư đổi mới khoa học công nghệ là công cụ chiến lược.
Văn phòng NSLC tổng hợp