Doanh nghiệp áp dụng TPM – tối đa hóa hiệu suất thiết bị, nâng cao năng suất

Việc thực hiện thành công công cụ TPM sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng. Đây là một trong các mục tiêu quan trọng được đặt ra trong chương trình 712.

Đơn cử áp dụng công cụ cải tiến TPM (Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể), Công ty Cường Vinh đã đạt được nhiều thành quả thiết thực, điển hình như việc giảm 5,8% thời gian dừng máy và nâng cao hiệu quả sản xuất tại phân xưởng Đúc nhôm.

Từ 10/2018, Công ty đã thành lập ban TPM có sự tham gia của nhiều phòng ban (Phó tổng giám đốc với vai trò Trưởng ban TPM, Giám đốc Sản xuất, giám đốc Nhân sự phụ trách giám sát hiệu quả, Quản đốc phân xưởng – phó ban – trực tiếp điều hành các hoạt động TPM tại phân xưởng) và đặt mục tiêu nâng cao năng lực của công nhân vận hành (công nhân vận hành biết mình cần làm gì trước khi chạy máy, nhằm gắn kết trách nhiệm của người vận hành và người bảo dưỡng thiết bị); Giảm thời gian chết dừng máy do sự cố.

Sau 3 tháng đầu tiên, công ty đã thống kê được các nguyên nhân dừng máy. Điều này giúp công ty đưa ra các giải pháp tức thời phù hợp để khắc phục. Từ 1/2019, công ty đã giám sát và giảm được thời gian dừng máy do sự cố. Đến tháng 2, công ty đã giảm được 5,8% thời gian dừng máy so với tháng 1/2019.

Đồng thời, các giải pháp ngăn ngừa được thực hiện nhằm kiểm soát thời gian dừng máy do sự cố, như: Hoàn thiện bảng tiêu chuẩn hóa công việc vận hành máy Đúc, Đào tạo và đánh giá năng lực vận hành máy theo bảng tiêu chuẩn hóa, chuẩn hóa quy định về các loại lỗi trong sản xuất. Ngoài ra, công ty tạo cơ chế để mọi nhân viên vận hành phát hiện ra lỗi, bất thường đều có thể báo cáo đến lãnh đạo phân xưởng chính xác, đầy đủ và nhanh chóng (sử dụng công cụ thẻ đỏ và công nghệ thông tin).

Với các thành công đạt được chỉ sau 3 tháng, lãnh đạo công ty đã tăng mạnh ủng hộ, hỗ trợ ban TPM triển khai các trụ cột AM, PM, FI, HSE cùng với việc duy trì 5S liên tục làm nền tảng cho TPM. Các hoạt động TPM được đẩy mạnh theo từng trụ cột: đào tạo, đánh giá, khen thưởng, lập nhóm cải tiến, báo cáo kết quả cải tiến…

Ban TPM cũng đặt mục tiêu cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2019 là thực hiện trụ cột AM ở bước 7, trụ cột PM ở bước 7; mở rộng hoạt động TPM sang phân xưởng thứ 2. Đây là các mục tiêu mang tính thách thức, nhưng với sự ủng hộ TPM của ban lãnh đạo công ty, sự nhiệt tình của ban TPM, và hỗ trợ của Bộ Công Thương trong Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng ngành Công Thương, ban TPM đã cam kết với lãnh đạo công ty sẽ đạt được các mục tiêu này.

Hay tại, Nhà máy Đóng tàu Hồng Hà đã bắt đầu triển khai TPM theo chương trình hỗ trợ của Vụ khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương. Mục tiêu TPM được đặt ra với từng phân xưởng trong nhà máy (Phân xưởng Cơ điện, phân xưởng Vỏ tàu, phân xưởng Cơ điện và phân xưởng Động lực).

Trong tháng 4, nhà máy đã tổ chức đào tạo TPM cho các cán bộ quản lý và nhân viên vận hành của 4 phân xưởng, qua đó, bắt đầu thực hiện trụ cột Tự bảo dưỡng bằng việc treo thẻ đỏ tại phân xưởng.

Sau 2 tháng triển khai, phần lớn nhân viên các phân xưởng đã treo thẻ đỏ ngay khi quan sát, phát hiện các bất thường về máy móc, dụng cụ.

Từ tháng thứ 3, nhà máy tổ chức đào tạo trụ cột PM (bảo trì có kế hoạch) cho các cán bộ quản lý các phân xưởng. Sau buổi đào tạo, các máy, thiết bị quan trọng đã được hoạch định và bắt đầu theo dõi theo biểu mẫu TPM về các sự cố.

Việc thực hiện trụ cột PM sẽ được thực hiện tập trung vào giai đoạn 1: Loại bỏ nguyên nhân máy xuống cấp do chủ quan, khắc phục và bảo dưỡng những điều kiện căn bản.

Công ty TNHH MTV đóng tàu Hồng Hà là doanh nghiệp Nhà nước hạch toán kinh doanh độc lập. Lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là đóng mới và sửa chữa tàu chiến, tàu tuần tra, tuần tiễu, tàu – xuồng cao tốc, tàu hàng đa năng (CMP)… Nhà máy cũng đã đóng nhiều loại tàu xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có thị trường châu Âu. Chất lượng sản phẩm được đảm bảo bởi Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 – 2015, ngoài ra Công ty còn đạt chuẩn ISO 14001 về môi trường, OHSAS 18001 về hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp và ISO 50001:2011 về hệ thống quản lý năng lượng. Do quan tâm chú trọng đến đầu tư cho khoa học công nghệ, Công ty đóng tàu Hồng Hà đã được trao 2 giải thưởng lớn. Đó là “Biên soạn quy trình công nghệ đóng tàu TT400”, đạt giải thưởng cấp Nhà nước năm 2012; “Nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết kế thi công và chế tạo tàu chở nhựa đường 2.800 tấn”, đạt giải thưởng Khoa học công nghệ VIFOTECT (tháng 3-2013).

Nguồn: Báo Chất lượng Việt Nam

Tin mới