Chứng nhận xuất xứ trong xuất khẩu sản phẩm

Việt Nam đã kí kết tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại quốc tế, theo đó các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các Hiệp định này với điều kiện phải tuân thủ các quy định của Hiệp định ký kết. Tỷ lệ khối lượng hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với thủy sản là 57,7%; hạt điều 108,3%; cà phê 105,1%; giày dép 81,3% (những tỷ lệ trên 100% là do các doanh nghiệp nộp tờ khai hải quan trước khi xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O hồi tố). Hay tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) với thủy sản 94,35%; hạt điều 144,31%; cà phê 87,5%; giày dép 103,22%; dệt may 78,71%. Có thể trong số những doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế, ví dụ từ VKFTA, có nhiều doanh nghiệp FDI từ Hàn Quốc, nhưng không thể phủ nhận những con số này là rất thuyết phục Đối với hiệp định TPP, theo số liệu khảo sát sự hiểu biết của các doanh nghiệp về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM thực hiện cuối năm 2015, 20% doanh nghiệp chưa từng nghe về TPP; 45% có nghe nhưng không hiểu sâu; 26% từng tìm hiểu sơ bộ; chỉ có 9% là đã tìm hiểu tương đối kỹ, và mức độ hiểu biết của doanh nghiệp các tỉnh, thành khác thấp hơn so với TPHCM. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp được vẽ ra một viễn cảnh về mức thuế suất 0%, tuy nhiên, để được hưởng mức thuế đó, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng những quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho từng FTA để được cấp C/O – căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan nước nhập khẩu xác định hàng hóa đến từ đâu, có đủ điều kiện để hưởng mức thuế quan ưu đãi hay không. Lộ trình được ưu đãi thuế không phải là vấn đề thời gian sau bao lâu thì mức thuế sẽ về 0% mà vấn đề là sau bao lâu chúng ta đáp ứng được đủ các điều khoản của Hiệp định. Vận dụng đúng quy tắc xuất xứ: Hàng hóa có xuất xứ thần túy được hưởng thuế quan ưu đãi. Đối với hàng hóa xuất xứ không thần túy cần vận dụng các quy tắc để được hưởng thuế quan ưu đãi như: quy tắc hàng tân trang, quy tắc bộ hàng hóa có 10% giá trị không cần xuất xứ, quy tắc De Minimis loại trừ điều kiện xuất xứ đối với một số nguyên phụ liệu sản xuất; quy tắc cộng gộp; quy tắc cụ thể mặt hàng. Nhưng đi vào vận dụng cụ thể từng trường hợp thì không hề đơn giản. Với hàng phụ kiện, phụ tùng không có xuất xứ từ các nước thành viên tham gia FTA đi kèm theo hàng chính vẫn có thể được hưởng ưu đãi thuế như ti vi sản xuất ở Việt Nam nhưng thiết bị điều khiển từ xa sản xuất ở Trung Quốc thì coi như cả bộ ti vi vẫn có xuất xứ Việt Nam. Vật liệu đóng gói, bao bì cũng không tính vào để xét xuất xứ. Ví dụ máy ảnh sản xuất ở Việt Nam nhưng túi nylon bọc máy được làm tại Thái Lan, thùng carton sản xuất ở Trung Quốc thì sản phẩm vẫn được coi là xuất xứ từ Việt Nam. Các nguyên liệu gián tiếp để sản xuất như găng tay, dầu nhớt, khuôn đúc cũng được miễn trừ khi xét xuất xứ. Quy tắc De Minimis cho phép một tỷ lệ linh hoạt không cần xuất xứ (thường là 10%) vẫn được coi là có xuất xứ, nhưng chỉ được áp dụng với nguyên liệu sản xuất chứ không được áp dụng với hàng sản xuất thuần túy, tức là không được áp dụng với sản phẩm cuối cùng. Ví dụ xuất 10 tấn gạo, trộn từ 9 tấn gạo Việt Nam với 1 tấn gạo Trung Quốc thì không được áp dụng De Minimis. Nhưng sản xuất xúc xích từ 100 ki lô gam thịt bò, trong đó có dùng 10 ki lô gam thịt bò Úc thì xúc xích vẫn được coi là có xuất xứ Việt Nam. Những công đoạn gia công, chế biến đơn giản như gửi hàng, đánh bóng, đóng gói ở một nước khác không làm thay đổi quy tắc xuất xứ sản phẩm của nước sản xuất chính. Tuy vậy, phải “coi chừng” từng trường hợp để vận dụng. Ví dụ đánh bóng kim cương là công đoạn tạo ra giá trị lớn cho kim cương, không thể coi là gia công đơn giản, mà là gia công phức tạp. Làm hồ sơ chứng nhận xuất xứ: Trước tiên, các doanh nghiệp cần phải rất cẩn trọng với mã số HS, ngôn ngữ khai báo, mẫu chữ ký và con dấu khi làm hồ sơ C/O, thậm chí mẫu mực con dẫu khác nhau cũng có thể bị thuế quan các nước khác từ chối. Thứ 2, doanh nghiệp phải trung thực về xuất xứ sản phẩm tránh bị ghi vào sổ đen của hải quan các nước nhập khẩu. Một số ví dụ như thuế quan các nước có thể tra cứu google map để xem địa chỉ nhà sản xuất, thông tin công ty đúng hay không hoặc như nghi ngờ chỉ số hàm lượng khu vực (RVC). Nhìn chung, những doanh nghiệp mới tham gia sản xuất hàng xuất khẩu hoặc đã có kinh nghiệm trong xuất khẩu nhưng chuyển đổi mặt hàng sản xuất nên tham khảo kỹ với các chuyên gia xuất nhập khẩu để làm tốt khâu chứng nhận xuất xứ nhằm được ưu đãi thuế. Doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi để được giải đáp tại cổng thông tin của Bộ Công Thương tại đây.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới