Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch

Vào ngày 15/7 vừa qua tại Hà Nội, bộ Khoa học và Công nghệ đã tổng kết và đánh giá kết quả đạt được của chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch giai đoạn 2011-2015

Ngành công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản là một ngành với đặc thù phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung và chất lượng nguyên liệu. Với yêu cầu đảm bảo được chất lượng nguyên liệu đầu vào thì khả năng bảo quản phải được chú trọng nhằm giảm sự hao hụt cả về chất và lượng. Đồng thời gắn liền với đó là phương pháp chế biến làm sao có thể giúp các nguyên liệu thô trở thành sản phẩm có giá trị thương mại cao. Để giúp các doanh nghiệp, ngày từ năm 2011, bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thực hiện chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch.

Trải qua quá trình 5 năm thực hiện, chương trình đã thực hiện và triển khai được 32 nhiệm vụ, 18 đề tài với 8 dự án sản xuất thử nghiệm thuộc 4 lĩnh vực chủ chốt: Nông sản; lâm sản; thủy sản, gia súc, gia cầm và dược liệu.

Có thể kể đến một số đề tài nổi bật như:

– Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt.

– Nghiên cứu công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm olygosaccharid để bảo quản nguyên liệu thủy sản đánh bắt xa bờ.

– Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất vi nang chưa các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

– Hoàn thiện quy trình chế biến Thục địa, Đương quy, Hoàng kỳ, Hà thủ ô đỏ, Đẳng sâm ở quy mô công nghiệp.

Các đề tài này hầu hết có ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, nhiều dự án tạo ra sản phẩm mới đem lại giá trị cao và có khả năng nhân rộng áp dụng trên nhiều đia phương. Các sản phẩm của chương trình hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tương tự đến từ nước ngoài.

Trong hội nghị tổng kết, các đại biểu đều nhất trí cho rằng các các đề án của chương trình hiện tại đều phù hợp với sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu. Tuy nhiên để bắt kịp các xu hướng phát triển mới hơn, các đề án phải luôn được nâng cấp cải tiến. Đồng thời cũng cần đưa ra các đề án mới nhằm theo kịp các yêu cầu công nghệ, không nên lựa chọn phát triển theo các hướng đi cũ rồi sau đó không thể áp dụng dẫn tới lãng phí.

Bằng những cố gắng của các nhà khoa học, các kỹ sư của các doanh nghiệp, hy vọng rằng trong giai đoạn 2016-2020 sẽ có nhiều đề án, ứng dụng mang lại lợi tích cho nền kinh tế và đất nước.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới