Chính sách hỗ trợ thực hiện ISO 22000 tại Việt Nam

Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 là bộ tiêu chuẩn do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) xây dựng tập trung vào an toàn thực phẩm, góp phần giúp cơ sở áp dụng cung cấp sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ áp dụng ISO 22000 tại các cơ sở trong chuỗi cung cấp thực phẩm. Hệ thống ISO 22000 quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong đó tổ chức trong chuỗi thực phẩm cần phải chứng tỏ khả năng kiểm soát được mối nguy hại về an toàn thực phẩm để đảm bảo rằng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tiêu chuẩn này đòi hỏi xác định và đánh giá được tất cả các mối nguy hại có thể xảy ra trong chuỗi thực phẩm, kể cả mối nguy hại có thể xảy ra do cách thức và điều kiện chế biến. Do đó, tiêu chuẩn này giúp tổ chức xác định và chứng minh bằng văn bản việc một tổ chức cần kiểm soát những mối nguy hại nhất định nào. Hiện nay, nước ta chưa có quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 đối với các DN thực phẩm; các quy định có liên quan đến ISO 22000 chủ yếu nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 712/QĐ-TTg ngày 21/05/2010. Một loạt các văn bản chính sách về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ trung ương và địa phương đề cập đến ISO 22000 là một trong những hệ thống quản lý NSCL được hỗ trợ kinh phí thực hiện. Một số tỉnh như Lâm Đồng, Quảng Ninh, Long An, Nghệ An, Hải Dương, Bến Tre, Bắc Giang, Phú Yên, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Bình Định, Hà Giang, Quảng Bình, Cà Mau đã phê duyêt mức hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý về NSCL, bao gồm ISO 22000. Mức hỗ trợ tại mỗi tỉnh không giống nhau, mức hỗ trợ cao nhất được ghi nhận tại Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với tối đa 100 triệu đồng/hệ thống. Cho đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước có văn bản chính sách riêng về ISO 22000. Quyết định số 3745/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 23 tháng 07 năm 2009 về ban hành quy định hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 trên địa bàn thành phố Hà Nội, quy định: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối thực phẩm thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn Thành phố Hà Nội có dự án áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 được lựa chọn hỗ trợ với nguyên tắc hỗ trợ 01 lần/doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm đến khi được cấp giấy chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 22000 do tổ chức chứng nhận sự phù hợp cấp. Mức hỗ trợ kinh phí thực hiện xây dựng HTATTP ISO 22000 là 60 triệu đồng/01 dự án. Mức hỗ trợ cho các cơ sở trong chuỗi thực phẩm áp dụng ISO 22000 tuy chưa lớn nhưng bước đầu đã cho thấy nỗ lực của nhà nước trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm, giúp đem đến sản phẩm an toàn hơn cho người sử dụng cũng như nâng cao trách nhiệm và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất chế biến, cung cấp thực phẩm.

Văn phòng NSCL

Tin mới