Cho rằng sẽ có nhiều xáo trộn, ảnh hưởng bất lợi đến nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, tại Hội thảo “Khoa học và công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” mới đây, các chuyên gia cho rằng, để khắc phục thì điều kiện tiên quyết là nâng cao năng suất lao động.
Sẽ có xáo trộn rất lớn
“Tự động hoá cao và khả năng siêu kết nối sẽ có tác động lớn đối với lực lượng lao động” – ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nói và lấy ví dụ trường hợp ứng dụng Whatsapp – một ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, cho phép người dùng nhắn tin mà không cần phải trả phí – được khởi đầu bởi một nhóm nhỏ nhà đầu tư nhưng chỉ sau thời gian ngắn, hãng Facobook đã đồng ý chi tới 22 tỷ USD cho công ty chỉ có 55 nhân viên này. Như thế, giá trị doanh nghiệp/01 nhân viên lên tới 400 triệu USD. Trong khi đó, hãng hàng không United Continental của Mỹ có giá trị thị trường cũng chỉ khoảng 22 tỷ USD (năm 2015) nhưng lại có tới 82.300 nhân viên. Từ thực tế này, đã có người đặt vấn đề liệu các công ty đa quốc gia còn có phải là công ty đông người, tồn tại lâu hay không?
Về nguồn nhân lực, cũng rất thuyết phục, ông Dũng kể câu chuyện vào ngày 25/6/2017, các đồng nghiệp của ông Kalanick – CEO Uber, người sáng lập hãng Uber có giá trị tới 100 tỷ USD – đã họp và cách chức ông này vì không đáp ứng yêu cầu. Câu chuyện cho thấy, thời cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), đến nhân sự cấp cao cũng có thể bị đào thải nhanh chóng.
Còn với lực lượng lao động kỹ năng thấp, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tự động hoá trong cuộc CMCN 3.0 nay có thể bị ảnh hưởng hơn nữa do sự ra đời của Cobots (robot hợp tác có khả năng di chuyển và tương tác) sẽ giúp những công việc kỹ năng thấp đạt năng suất nhảy vọt. Tuy nhiên, đối tượng lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại có thể là lực lượng lao động có kỹ năng trung bình vì sự phát triển của siêu tự động hoá và siêu kết nối, kết hợp với trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đáng kể đến bản chất của các công việc tri thức.
Ông Dũng đưa ra nhận định, những đối tượng lao động sẽ bị tác động là khối văn phòng, bán hàng, dịch vụ khách hàng… vì các robot tự động và trợ lý ảo sẽ trở nên phổ biến.
Trong khi đó, số liệu điều tra năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, ở nước ta, nguồn nhân lực là cán bộ kỹ thuật chỉ chiếm 6,8% lực lượng lao động và phân bố không đều và có nhiều bất hợp lý. Cũng theo Bộ KH&CN, năm 2014, cả nước có 1.055 tổ chức KHCN, trong đó, nhóm tổ chức KHCN nghiên cứu và phát triển chiếm 47,9% là khá thấp so với thế giới. Trong khi đó, chi cho KHCN ở nước ta hiện chỉ chiếm khoảng 0,8-1% GDP, tương đương khoảng 300 tỷ đồng/năm (GDP của Việt Nam ở khoảng 300 tỷ USD/năm) – một con số rất nhỏ.
Dẫn số liệu trong một cuộc khảo sát do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện tại 5 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, ông Dũng cho biết, dự báo sẽ có khoảng 137 triệu lao động, chiếm tới 56% số lao động làm công ăn lương ở 5 quốc gia này có thể mất việc làm do việc áp dụng tự động hoá trong những thập niên tới, đặc biệt là trong các ngành sản xuất, như: may mặc, giày, dép…
Trong khi đó, minh chứng cho nhận định mức độ sẵn sàng đối với CMCN 4.0 của Việt Nam và doanh nghiệp Việt còn thấp, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu rõ, trong Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng với xếp hạng 70/100 quốc gia về chỉ số nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao.
Tăng năng suất lao động là chìa khoá thành công
Tại hội thảo, các ông Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo) và Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, để công nghiệp hóa thành công thì mũi nhọn đột phá là năng suất lao động.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh – cho rằng, Việt Nam đã và đang chủ động nâng cao trình độ KHCN với việc hình thành nhiều trung tâm KHCN theo hướng hiện đại, như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội); Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; Công viên phần mềm Quang Trung; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư, xây dựng “Thành phố khoa học” tại Quy Nhơn (Bình Định); lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng đã có chủ trương đầu tư, xây dựng “thành phố sáng tạo phía đông bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức”… Ông Châu cho rằng, đây là nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Về thực trạng nguồn nhân lực và năng suất lao động của Việt Nam, ông Châu đánh giá, năng suất lao động thấp. Dẫn chứng trong ngành xây dựng, ông Châu chỉ rõ, hiện nước ta đã ứng dụng nhiều công nghệ mới, thiết bị mới như: Phương pháp thi công “Top – down”, sử dụng vật liệu xây dựng mới như công nghệ xây dựng 3D, tấm tường Acotec, thi công sàn nhà cao tầng chỉ từ 3 – 5 ngày… , tuy nhiên nhìn chung, năng suất lao động của ngành xây dựng vẫn còn thấp; thiết bị, máy thi công, công cụ lao động, trang bị bảo hộ lao động còn lạc hậu; có những vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường, như: gạch không nung, cát nhân tạo, nhưng chậm được chuẩn hóa…
Vì vậy, để phát triển, bên cạnh các vấn đề lớn về vốn, thương hiệu, sản phẩm, thị trường,… ông Châu cho rằng, các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn bó với doanh nghiệp, trước hết là đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt, chuyên viên và công nhân lành nghề. Trong đó, về chiến lược, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi trọng nguồn lực con người là nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp. Đồng thời, coi trọng công tác tuyển dụng, đặc biệt là có chiến lược “săn đầu người” để bổ sung nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Tiếp đến, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp phải coi trọng công tác tái cấu trúc doanh nghiệp theo tinh thần khởi nghiệp, tái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; liên tục rà soát, cập nhật để kịp thời điều chỉnh, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp trong từng thời kỳ. Đồng thời, phải gắn hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với thực hiện chế độ đãi ngộ lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp thật thỏa đáng, đặc biệt là phải coi trọng xây dựng chính sách tiền lương, thực hiện đầy đủ chính sách bảo hiểm xã hội, để nâng cao trách nhiệm, tự giác, sáng tạo, góp phần tăng năng suất lao động.
Tán thành, các chuyên gia bổ sung, doanh nghiệp phải dành nguồn lực thoả đáng để đầu tư, ứng dụng các tiến bộ KHCN mới trong cuộc CMCN lần thứ 4 vào tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Coi trọng việc hợp tác với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài để tăng thêm nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng thêm tính đa dạng của sản phẩm, nâng cao trình độ, năng suất lao động…
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải có bộ phận phụ trách nguồn nhân lực có tính chuyên sâu với những cán bộ làm công tác nhân sự có trình độ, năng lực, thấu hiểu bản thân người lao động và gia đình người lao động trong doanh nghiệp.
Nguồn: congthuong.vn