Kỹ sư luyện kim Võ Văn Đồng được xem là “cây sáng kiến” đóng góp nhiều giải pháp giảm tiêu hao năng lượng, tăng hiệu quả sản xuất, từ đó tiết kiệm hàng tỷ đồng trong sản xuất cho Công ty CP Gang thép Cao Bằng. Mới đây, anh vinh dự nhận danh hiệu gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
“Cây sáng kiến tiền tỷ”
Võ Văn Đồng xuất thân trong gia đình thuần nông thuộc diện nghèo của xứ Nghệ. Anh đã thi đỗ vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nhưng khi giành được học bổng du học tại Trung Quốc của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, anh đã quyết định theo học ngành luyện kim. “Gia đình khó khăn nên khi được nhận học bổng đi du học tại Trung Quốc, tôi liền quyết định theo học luôn và đam mê với nghề này từ đó”, Võ Văn Đồng chia sẻ.
Học xong khóa học tại Trung Quốc, anh trở về nước. Từ tháng 10/2012, Võ Văn Đồng nhận công tác tại Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng. Đồng chia sẻ, anh có thời gian dài ăn, ngủ dưới phân xưởng để giám sát hoạt động của máy móc, hỗ trợ công nhân và xử lý các sự cố. Việc anh và đồng nghiệp phải thức trắng để xử lý sự cố là không hiếm. Năm 2016, khi xỉ thép bị nóng trào lên gây nguy hiểm đến hệ thống sản xuất, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người lao động, anh đã cùng đồng nghiệp mất hàng giờ để xử lý hay những lần phải xử lý sự cố cháy tấm băng tải trên đỉnh lò cao hay nổ gang vì dính nước mưa… Nhờ sự tìm tòi khắc phục, xử lý các sự cố, anh trưởng thành rất nhiều.
Trong gần mười năm gắn bó với Công ty CP Gang thép Cao Bằng, Đồng đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp giảm chi phí, tiêu hao trong sản xuất. Những ngày đầu năm 2019, than cám 3A được dùng làm chất đốt trong thiêu kết theo thiết kế dây chuyền sản xuất của công ty tăng giá mạnh. Trong khi sử dụng, nhiều hạt than 3A không cháy hết gây lãng phí. Trước thực tế đó, sau gần 1 tháng trăn trở, tìm tòi, Võ Văn Đồng đã đề xuất phương án thay đổi chủng loại than. Sau ba buổi thảo luận liên tiếp với những ý kiến phản biện về giá thành, mức độ tiêu hao của các loại than… đề xuất của anh được công ty đồng ý thử nghiệm loại than cốc bột, than cám 4A. Kết quả giá cả, nhiệt lượng… vượt xa mong đợi của mọi người. Sáng kiến này đã tiết kiệm cho công ty 30 tỷ đồng.
Trước đó, từ thực tế trong sản xuất, lượng khí than dư lò cao hàng ngày hàng giờ bay thẳng lên trời và nguồn đá vôi sẵn có tại địa phương mà phải nhập từ các nơi khác giá cao khiến chi phí tăng, sản xuất lại không chủ động, thậm chí bị gián đoạn, Đồng và các đồng nghiệp đã nghiên cứu tìm ra giải pháp. Nhóm của Đồng đã mang đến giải pháp xây dựng lò luyện vôi công nghiệp tận thu khí than dư của lò cao và nguồn nguyên liệu đá vôi để trực tiếp sản xuất vôi nung tại Khu liên hợp gang thép Cao Bằng. Qua đó, giảm chi phí giá thành vôi nung, chủ động cung cấp nguồn trợ dung cho sản xuất lại góp phần bảo vệ môi trường. Giải pháp thu hồi khí than dư lò cao để sản xuất vôi nung đã tiết kiệm hơn 4,48 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người-tháng.
Bên cạnh đó, Đồng đã cùng các đồng nghiệp có các cải tiến kỹ thuật khác, cũng làm lợi hàng trăm triệu đồng như: phương pháp dùng khí gas cắt phôi thay cho phương pháp dùng máy sinh khí, làm lợi hơn 211 triệu đồng; sử dụng quặng thiêu kết vụn làm nguyên liệu tạo xỉ trong sản xuất luyện thép, làm lợi 150 triệu đồng…
Chàng kỹ sư trẻ chia sẻ, những ý tưởng, sáng kiến của anh và đồng nghiệp đều xuất phát từ các hoàn cảnh thực tế, các khó khăn tồn tại trong sản xuất và phải làm sao để tháo gỡ, mang lại hiệu quả hợp lý hơn. “Ngoài ra, việc nhận được sự ủng hộ, khích lệ từ cấp trên và đồng nghiệp cũng là một phần động lực để tôi mày mò nghiên cứu”, kỹ sư Võ Văn Đồng chia sẻ.
Tấm lòng thiện nguyện
Không chỉ là kỹ sư giỏi trong chuyên môn với nhiều sáng kiến, Võ Văn Đồng còn giữ vai trò Phó Bí thư Đoàn Công ty. Anh đã tham mưu cấp ủy Đảng, lãnh đạo tại đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, phong trào của Đoàn như: “Gói bánh chưng xanh – Ấm lòng ngày tết”, “Hơi ấm mùa đông”, Ngày hội Thanh niên công nhân, triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Ngày công Xã hội chủ nghĩa xây dựng nông thôn mới”… Tham gia sáng lập và làm phó chủ nhiệm CLB hiến máu dự bị của công ty, tổ chức nhiều chương trình hiến máu nhân đạo.
Năm 2018, Đồng còn sáng lập nhóm thiện nguyện “Cao Bằng hóng” kết nối những tấm lòng trong và ngoài tỉnh Cao Bằng để chung tay chia sẻ những khó khăn của đồng bào vùng cao. Đến nay nhóm có 40 thành viên chính thức và nhận được sự ủng hộ, chung tay của nhiều nhà hảo tâm trong các hoạt động tặng quà dịp Tết, khai giảng năm học mới…
Võ Văn Đồng chia sẻ, những tần tảo, vất vả của bố mẹ ở quê chính là động lực vươn lên trong suốt 5 năm du học tại Trung Quốc, cũng như cả quá trình làm việc của anh từ trước tới nay. Gần 10 năm làm việc tại Cao Bằng, nơi đây đã trở thành quê hương thứ 2 của anh. “Tôi gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn và nhớ đến những ngày gian khó ở nhà, nên được gì thì tôi tích cực làm để động viên, sẻ chia với người dân, trẻ em ở vùng sâu vùng xa vốn đã nhiều thiệt thòi”, kỹ sư Võ Văn Đồng cho biết.
Với nhiều thành tích trong công tác cũng như hoạt động đoàn, năm 2018 Võ Văn Đồng đạt Chiến sỹ thi đua cấp Công ty, Chiến sỹ thi đua cấp Tổng Công ty. Được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tặng Bằng khen “Công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Cao Bằng năm 2018”.
Năm 2019, anh được nhận Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hàng năm để vinh danh thợ trẻ giỏi, góp phần thúc đẩy đam mê nghề nghiệp trong thanh niên. Vừa qua, Võ Văn Đồng vinh dự nhận danh hiệu gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
Nguồn: Vinacomin