Khi một nhà máy sản xuất lớn ở Iowa quyết định thực hiện Kaizen, họ vấp phải khá nhiều thắc mắc và trở ngại. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị nông nghiệp và xây dựng liên quan đã nhận thấy quá trình cải tiến liên tục Kaizen là một phương tiện để cải thiện kinh doanh. Quá trình áp dụng cải tiến liên tục bền vững Kaizen là điều không dễ dàng, nó đã trở thành một thách thức đối với các doanh nghiệp. Dù vậy, đây vẫn là một công cụ hữu hiệu, đáng được áp dụng.
Một công ty nghiên cứu độc lập đã được doanh nghiệp thuê để đưa ra những thông tin phản hồi trung thực về nhận thức của nhân viên đối với công việc của họ, các chính sách của doanh nghiệp, các chương trình, quy trình lao động, môi trường lao động và giám sát công trình. Theo tính toán, mức độ tin cậy của những thông tin này lên tới 95%. Đây là những kết luận được rút ra:
– Những nhân viên có suy nghĩ tích cực thường tham gia nhiều sự kiện Kaizen. Kết quả thống kê thực tế cho thấy số lượng sự kiện Kaizen tăng lên đáng kể. Những ghi chép liên quan đến cảm xúc của nhân viên đối với sự giám sát, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và sự hài lòng với công việc cũng thu được kết quả tương tự. Điều này cho thấy sự thật về thái độ của nhân viên đối với toàn bộ quá trình cải tiến Kaizen.
– Nhân viên đã tham gia vào nhiều sự kiện Kaizen cảm thấy họ có cơ hội chia sẻ quan điểm của mình với đồng nghiệp nhiều hơn.
– Nhân viên đã tham gia vào nhiều sự kiện Kaizen cảm thấy Kaizen nên được thực hiện xuyên suốt trong tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.
– Nhân viên đã tham gia vào nhiều sự kiện Kaizen cảm thấy rằng sáng kiến Kaizen cải thiện hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp.
– Nhân viên đã tham gia vào nhiều sự kiện Kaizen coi các sáng kiến Kaizen là cần thiết để đảm bảo khả năng cạnh tranh.
– Một vài nhóm nhân viên cảm thấy rằng sau khi một nhiệm vụ Kaizen được hoàn thành, không có phương thức kiểm nghiệm thích hợp để đảm bảo những cải tiến của Kaizen tiếp tục được duy trì và thực hiện hiệu quả.
– Chỉ có 50 – 60 % các nhân viên cảm thấy họ đã nhận được phản hồi tương xứng về sự hài lòng của khách hàng với công việc họ đã làm. Có sự tương quan trực tiếp giữa mức độ tích cực của nhân viên và số sự kiện Kaizen mà họ đã tham gia. Điều này cũng đúng về mức độ tích cực mà những nhân viên này cảm nhận về tương lai.
– Phần lớn nhân viên bày tỏ sự tin tưởng rằng doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội trong cộng đồng và đối với môi trường.
– Nhân viên đã tham gia vào nhiều sự kiện Kaizen cho thấy một sự khác biệt đáng kể trong phản ứng tích cực về mức độ hài lòng khi được làm việc tại doanh nghiệp.
– Đa số nhân viên cho biết doanh nghiệp là môi trường tốt để làm việc và họ rất tự hào được hợp tác với doanh nghiệp. Những nhân viên tham gia vào nhiều sự kiện Kaizen cảm thấy tích cực hơn so với những người ít tham gia các sự kiện Kaizen.
– Nhân viên đã tham gia vào nhiều sự kiện Kaizen cảm thấy công việc của họ mang lại cơ hội tốt để phát huy khả năng của bản thân.
Đa số nhân viên, bất kể kinh nghiệm Kaizen của họ nhiều hay ít, cảm thấy công việc thực sự đáng giá và cho họ cảm giác mình đã đạt được thành tích nhất định. Họ cũng nhận thức được mức độ quan trọng của những công việc mình đang thực hiện đối với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng những phương pháp cải tiến liên tục của Kaizen để điều hành một cách hiệu quả, chuẩn hóa công việc, tổ chức, và cải thiện bằng cách liên tục đánh giá lại quy trình và loại bỏ các công đoạn không cần thiết ra khỏi những quá trình đã được cân nhắc kỹ càng. Các kết quả từ nghiên cứu này cho phép quan sát toàn bộ diễn biến việc thực hiện Kaizen từ những nhân viên tích cực áp dụng Kaizen vào hoạt động của doanh nghiệp.
Nhìn chung, việc tổ chức thực hiện Kaizen giúp khuyến khích nhân viên cảm thấy tích cực hơn về công việc cũng như về doanh nghiệp, giúp họ hiểu và thực hiện hiệu quả những phương pháp tạo nên lợi ích cho cả tập thể.
Văn phòng NSCL biên dịch