Năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,2% (kế hoạch 9%). Trong thành quả này, có sự đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) – yếu tố then chốt thúc đẩy năng lực sản xuất.
Chất lượng tương đương với nước ngoài
Đánh giá về những đóng góp của KH&CN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhận định, các nhiệm vụ KH&CN đã chú trọng vào hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp (DN) theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp.
Nhiều sản phẩm đã được thiết kế, chế tạo thành công đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu như chế tạo các dây chuyền sản xuất linh hoạt nhà thép nhẹ tiền chế cho nhà dân dụng, nhà máy công nghiệp và đã chuyển giao được một số dây chuyền cho các đối tác trong và ngoài nước như Australia, Đài Loan… Hay, làm chủ công nghệ chế tạo robot tay máy 5 bậc tự do, có chất lượng tương đương với các sản phẩm của nước ngoài đang có trên thị trường và giảm được 60% giá thành sản phẩm; chế tạo hệ thống sấy lúa vỉ ngang năng suất 150 tấn/mẻ…
Bên cạnh đó, đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất các linh kiện, chi tiết thiết bị hỗ trợ, lắp ráp như sản xuất nhíp ôtô với mức độ tự động hóa đạt 70 – 80%; thiết kế chế tạo một số loại đồ gá hàn khung vỏ xe ôtô con; chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất dây cáp điện, chất lượng tương đương của Hàn Quốc, châu Âu, giá thành bằng 50% nhập khẩu, giúp các DN sản xuất dây cáp điện của Việt Nam có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất.
Đặc biệt, sản xuất phân vô cơ đa thành phần bằng công nghệ sử dụng khí nóng tạo hạt. Đây là công nghệ mới hiện nay, có chi phí đầu tư thấp, ổn định và dễ vận hành, giúp tăng tổng hàm lượng NPK lớn hơn 40%, có thể bổ sung các nguyên tố trung vi lượng, chất lượng dinh dưỡng cao.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất của các DN, tạo sự đột phá, nâng cao trình độ KH&CN ngành Công Thương, Bộ KH&CN và Bộ Công Thương đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2017 – 2020.
Theo đó, sẽ tập trung nghiên cứu, lựa chọn và đề xuất đặt hàng một số nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia có quy mô lớn, chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ nhằm giải quyết một cách tập trung, đồng bộ các vấn đề KH&CN góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp: Công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, khai thác chế biến dầu khí, chế biến sâu khoáng sản, năng lượng, công nghiệp môi trường.
Trong năm 2019, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&CN là khơi thông các nguồn lực đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ DN; triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0.