Cải tiến năng suất chất lượng: Thực tiễn từ Công ty Nam Dược

Nam Dược là số ít doanh nghiệp kiên trì áp dụng thành công các công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong hoạt động sản xuất.  Việc áp dụng các công cụ cải tiến đã giúp Nam Dược tăng năng suất chất lượng sản phẩm và hiệu quả lao động. Năng suất tăng nhờ tinh gọn

Trong bối cảnh cạnh tranh để phát triển, các doanh nghiệp (DN) sản xuất dược buộc phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong các nhóm giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh thì chuyển đổi doanh nghiệp theo mô hình quản trị tinh gọn (Lean manufacturing) thông qua các phương thức và các công cụ cải tiến là giảp pháp được DN đặc biệt quan tâm và áp dụng.

Công ty TNHH Nam Dược thành lập từ năm 2004, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nuôi trồng cây dược liệu, sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu, thực phẩm chức năng.

Trong các phương thức tiếp cận với Quản trị Tinh gọn, Nam Dược lựa chọn tiếp cận triển khai Lean cho khu vực điểm tại công đoạn bao gói cấp 2 bằng việc khảo sát chi tiết tình trạng sắp xếp mặt bằng, cơ cấu tổ chức, thao tác thực hiện công việc của công nhân và lựa chọn công cụ cải tiến thích hợp để áp dụng.

Sau 6 tháng triển khai, năng suất của chuyền Diabetna đã tăng lên và ổn định. Cụ thể: Giảm thiểu lãng phí thao tác và lãng phí thời gian;  Trực quan được tiến độ công việc, dễ dàng kiểm soát công việc hơn; Chủ động kế hoạch, có thể lấy hàng theo giờ thay vì chờ cả lô như trước cải tiến; Nguyên vật liệu đầu vào, vật tư, hàng hành phẩm, pallet đã được qui định vị trí đặt để và số lượng tồn kho hợp lý; Các phương pháp Phân tích các thao tác, Tính năng suất công đoạn, Tính lượng tồn trên chuyền, Cân chuyền, Thiết lập Công việc tiêu chuẩn đã được hướng dẫn, thực hành và đã được áp dụng cho các chuyền sản xuất đơn hàng khác.

Dám nhìn thẳng và kiên trì áp dụng 

Theo ông Phạm Văn Đông, Giám đốc Công ty TNHH Nam Dược, thời gian qua đã không ngừng cải tiến nâng cao “năng lực lõi” trong quản trị, từ quản lý nguyên liệu đầu vào, kiểm soát các vùng trồng để có được nguyên liệu tốt nhất với giá và chi phí thấp, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, giảm chi phí, giá thành, năng suất chất lượng cao.

Một điểm rất mới là DN xác định sử dụng công nghệ để thiết lập chiến lược cho năng lực lõi đó là tiếp cận khách hàng bằng công nghệ trực tuyến, giúp cho DN có sự cải tiến, cung cấp cho khách hàng sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt hơn, giá thành giảm. Suốt trong 6 năm qua DN đã nỗ lực để tung ra thị trường những sản phẩm tốt nhất và nỗ lực đó đã được ghi nhận khi DN đã lần lượt đạt giải vàng chất lượng quốc gia cũng như của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Đông cũng cho biết, không phải cứ áp dụng các hệ thống là thành công ngay, mà đã có những thất bại. Theo đó, từ năm 2009 DN áp dụng nhiều hệ thống quản lý như 5S, TQM… Hai năm đầu áp dụng, DN có sự thay đổi nhất định, nhưng 3 năm sau mọi thứ rất nặng nề. Hệ thống chạy không được trơn tru, các hệ thống không trùng khớp, không kết nối được, cùng một công việc nhưng phải làm nhiều hồ sơ giấy tờ… tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống quản lý chất lượng.

“Điều này đòi hỏi lãnh đạo DN dũng cảm nhìn thẳng vấn đề và chấp nhận gạt bỏ những gì rườm rà. Giống như ta khoác trên người quá nhiều cái áo, cái nào không phù hợp, thiếu thiết thực nên chấp nhận khoanh vùng và loại bỏ nó. Sau đó, DN đã tinh gọn lại để khơi thông dòng chảy. Nguyên nhân do lãnh đạo DN thường muốn áp dụng trên quy mô rộng, nhưng khi áp dụng lại không khả thi. Vì thế cần xác định quy mô hợp lý để triển khai được lan tỏa rộng, phù hợp với nguồn lực của DN’, ông Đông chia sẻ.

Nguồn: VietQ

Tin mới