Áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng là những giải pháp giúp doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường.
Theo kết quả khảo sát do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM phối hợp với Viện Kinh tế TP HCM thực hiện, khoảng 70% doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP HCM có hoạt động năng suất chất lượng. Những doanh nghiệp có áp dụng hệ thống quản lý năng suất chất lượng đạt doanh số gấp 3-7 lần so với doanh nghiệp không áp dụng.
Số liệu thống kê của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP HCM cho thấy, việc áp dụng hệ thống quản lí như ISO 9001:2015 giúp doanh nghiệp tăng trưởng về năng suất, doanh thu và lợi nhuận từ 30 đến 50% so với năm trước.
Dù biết những lợi ích của việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, một số doanh nghiệp vẫn còn chần chừ, chưa triển khai. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Hà, Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp biết và muốn áp dụng các công cụ cải tiến nhưng lại chưa biết làm sao để đem lại lợi ích, hiệu quả.
“Đứng trước hàng loạt các công cụ hệ thống nhưng không biết áp dụng công cụ hệ thống nào cho phù hợp dẫn tới việc doanh nghiệp lúng túng trong triển khai. Vì thế, chúng tôi đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề này”, ông Hà nói.
Những năm gần đây, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng TP HCM đã tổ chức gần 1.000 lớp phổ biến, tuyên truyền, tập huấn và hợp tác quốc tế về xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, quản lý năng lượng, thương hiệu, mô hình hoạt động nghiên cứu phát triển, thông tin khoa học và công nghệ mới…
Theo thống kê của Chi cục, trên 38.530 lượt người đã tham gia các chương trình tư vấn huấn luyện này; trong đó 719 doanh nghiệp đã được hỗ trợ để áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
“Để triển khai công cụ hệ thống thành công, doanh nghiệp cần nhất sự kiên trì và quyết tâm của Ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, người đứng đầu cần phải thấu hiểu toàn bộ quá trình thực hiện, nắm bắt được vấn đề phát sinh, nguyên nhân vì sao và đưa ra các điều chỉnh phù hợp”, ông Hà khẳng định.
Nhựa Bình Minh cũng là một trong những doanh nghiệp áp dụng thành công những kinh nghiệm này.
Nhà máy của Công ty CP Nhựa Bình Minh ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 đang trong giờ làm việc nhưng lại thưa thớt công nhân, thay vào đó là các loại máy móc. Ở đây, robot tự động đảm nhận phần lớn công việc sản xuất. Khu xưởng cần nhiều nhân công nhất với diện tích 10.000 mét vuông cũng chỉ có tối đa 65 công nhân mỗi ca sản xuất. Nhiệm vụ chính của họ là giám sát, kiểm tra quá trình sản xuất.
Khác với việc lao động sử dụng nhân công phải chia ca kíp và thời gian nghỉ ngơi, toàn bộ hệ thống sản xuất tại nhà máy hoạt động liên tục 24/24.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết, việc áp dụng mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000, tiêu chuẩn về quản lý chất lượng môi trường ISO 14000 và các công cụ cải tiến như Kaizen, 5S vào hoạt động quản lý chất lượng, cải tiến năng suất cũng đã được công ty áp dụng nhiều năm và liên tục cải thiện.
Theo phương châm liên tục cải tiến của Kaizen, hàng năm, công ty đều trích lập quỹ đầu tư phát triển sản xuất từ lợi nhuận (chiếm 5-0% doanh thu) để đầu tư thiết bị mới, nâng cao năng lực và mở rộng sản xuất, tăng tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng 5S trong nhiều năm liền, các khu nhà xưởng, khu chứa nguyên liệu và thành phẩm của công ty đều được sắp xếp, bố trí hợp lý khoa học.
Với vấn đề quản trị nhân sự, Nhựa Bình Minh đã thực hiện giải pháp công nghệ thông tin quản trị tổng thể nguồn nhân lực doanh nghiệp (ERP) tại các đơn vị như trụ sở công ty, 4 nhà máy trực thuộc (TP HCM, Bình Dương, Long An, Hưng Yên) và chi nhánh Đà Nẵng.
Nhờ áp dụng giải pháp này, ban quản lý có thể kiểm soát số liệu kế toán chính xác, xây dựng mô hình tính giá thành phù hợp với chiến lược đề ra, đồng thời quản lý tốt lượng tồn kho nguyên vật liệu, phân tích giá thành phẩm kịp thời và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho tổ chức.
Nhờ vậy, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của công ty luôn đạt 16 -18% mỗi năm. Sản phẩm của công ty hiện đã có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế. Sản lượng hiện giờ đạt xấp xỉ 100.000 tấn mỗi năm và doanh số đạt hơn 4.000 tỷ đồng.
“Có nhiều sự thay đổi nhưng đầu tiên là chiến lược. Chúng tôi tập trung vào quản trị doanh nghiệp, quản trị nội bộ, định hướng vào khách hàng, thị trường. Từ đó, chúng tôi mở rộng năng lực sản xuất của mình, nghiên cứu phát triển các loại sản phẩm mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, thị trường”, ông Hải nói.
Năm 2018, công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh lần đầu tiên tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và đã đạt ngay Giải vàng, trong tổng số 73 doanh nghiệp nhận giải thưởng này trên toàn quốc. Đồng thời, công ty đã vượt qua hàng trăm doanh nghiệp được tuyển chọn của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương để được vinh danh ở hạng mục World Class Award – tương đương giải nhất cho loại hình sản xuất lớn tại lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương GPEA 2018.
Nguồn: Báo Vnexpress