Cải thiện năng suất chất lượng sản phẩm dệt may bằng công nghệ Đức

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam phối hợp với Hiệp hội máy móc Dệt may Đức VDMA tổ chức “Diễn đàn Công nghệ Đức gặp gỡ ngành dệt may Việt Nam”.

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của khoảng 650 nhà sản xuất dệt, các chuyên gia về máy móc thiết bị ngành dệt và ngành công nghiệp phụ trợ dệt may.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội phát triển lớn do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chuẩn bị có hiệu lực mang lại như FTA Việt Nam – EU, TPP. Chẳng hạn TPP sẽ giảm 18.000 thuế quan, giúp Việt Nam gần như trở thành nhà cung cấp hàng dệt may duy nhất giữa các nước thành viên đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Tuy nhiên hầu hết thiết bị công nghệ dệt may của Việt Nam còn lạc hậu, để tận dụng được lợi thế từ các hiệp định FTA- EU hay TPP, việc đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại là vô cùng cần thiết. Nếu sử dụng được công nghệ tiên tiến như của Đức, mặc dù chi phí đầu tư lớn song chất lượng các loại sợi và vải, nhất là vải cung cấp cho may xuất khẩu sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu của các thị trường khó tính…

Tại diễn đàn lần này, các chuyên gia ngành công nghiệp từ các công ty thành viên của Hiệp hội máy móc Dệt may Đức đã trình bày chủ đề về công nghệ định hướng thực tế theo toàn bộ dây chuyền dệt từ kéo sợi đến hoàn tất và nhuộm. Các chuyên gia của Đức đều đến từ các hãng sản xuất máy móc và phụ trợ dệt may nổi tiếng như Andritz Assenlin-Thibeau, Bruckner, Erhardt + Leimer, Fong’s Europe, Groz-Beckert…

Phát biểu về sự kiện, ông Trương Văn Cam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, diễn đàn được tổ chức nhằm giới thiệu những công nghệ mới nhất của các công ty hàng đầu thế giới về máy móc dệt may đến từ Đức, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, trao đổi thông tin và hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Khánh Quyền, Giám đốc kinh doanh Công ty Dệt Minh Khai cho biết, doanh nghiệp rất cần thông tin về công nghệ mới nhất qua các cuộc hội thảo, qua đó, giúp doanh nghiệp cải tiến chất lượng và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Diễn đàn tương tự sẽ được Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Hiệp hội máy móc Dệt may Đức VDMA tổ chức tại Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh vào ngày 7/7 tới đây.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới