Một nhà quản lý tốt luôn tìm kiếm giải pháp để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất tại doanh nghiệp của mình. Bên cạnh các giải pháp kĩ thuật, bạn cũng có thể tìm ra cơ hội khi tiếp cận vấn đề này từ góc độ quản lý:
Quản lý tại nguồn – Đào tạo nhận thức về chi phí và chất lượng
Trên thực tế, chi phí để giải quyết hậu quả của việc sản phẩm lỗi đến tay người dùng cao hơn rất nhiều so với giải quyết nó tại nguồn. Do đó, các nhà quản lý phải giúp nhân viên nhận thức cụ thể giá trị của từng sai lỗi mà họ gây ra. Đây là một giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao tính tự giác của nhân viên và hạn chế các sai lỗi do thiếu cẩn thận.
Nhãn mác – Trách nhiệm và cơ hội
Không riêng gì nhà sản xuất, việc điền chính xác và đầy đủ thông tin vào nhãn mác là trách nhiệm của mọi thành viên của chuỗi cung ứng. Việc này không chỉ thể hiện tính minh bạch cho nguồn gốc sản phẩm, đưa ra các khuyến cáo cần thiết về thành phần cho người tiêu dùng mà còn giúp quảng bá thương hiệu và uy tín doanh nghiệp. Thông tin đưa ra càng đầy đủ thì càng dễ nhận được phản hồi tốt.
Tuy vậy, việc duy trì cung cấp chính xác thông tin đòi hỏi một hệ thống quản lý được liên kết chặt chẽ theo từng công đoạn và dĩ nhiên, không phải thông tin nào cũng được người dùng quan tâm. Do đó, nhà sản xuất nói riêng và các thành viên trong chuỗi cung ứng nói chung cần cân nhắc về lượng thông tin đưa vào nhãn mác sản phẩm để có thể tối đa hóa lợi ích với chi phí bỏ ra.
Hiện nay, dưới sự hỗ trợ của công nghệ như quét mã vạch và blockchain, áp lực từ việc cân nhắc nội dung in trên bao bì của các nhà sản xuất thực phẩm đã được giảm đáng kể. Các công nghệ này giúp mã hóa thông tin sản phẩm dưới dạng chuỗi số hoặc mã vạch nên không chiếm quá nhiều diện tích trên bao bì.
Đảm bảo tính bền vững cũng là đảm bảo chất lượng và cải thiện chi phí
Theo một nghiên cứu gần đây của trường đại học Wisconsin bang Madison, trong số 1000 người tiêu dùng được khảo sát ngẫu nhiên tại California có tới 59% quan tâm đến các khía cạnh khác ngoài chất lượng thực phẩm. Ví dụ như: Nguồn gốc của nguyên liệu, hàm lượng dinh dưỡng, quãng đường vận chuyển, tác động đến môi trường, mức độ đãi ngộ của nhân viên,… Nghiên cứu cũng đã xác định rằng phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm đảm bảo được tính bền vững.
Mặt khác, sản xuất bền vững cũng giúp các nhà quản lý tiết kiệm được chi phí xử lý chất thải và giảm thiểu các hoạt động không tạo ra giá trị gia tăng.
Đối với ngành thực phẩm, vấn đề của mỗi doanh nghiệp là khác nhau và cách giải quyết cũng khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp gần nhất với định hướng phát triển của tổ chức chỉ có thể được tìm ra khi tiếp cận từ góc độ quản lý.