Cách thức khiến cho TQM và Just-in-time phát huy tác dụng

Những lợi ích to lớn của phương pháp sản xuất Just-in-time (JIT) đã được đề cập đến khá nhiều trong các tài liệu về học thuật cũng như thương mại. Nếu chúng ta chỉ đơn giản là nghe và biết về các thuật ngữ Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) và JIT thì hoàn toàn chưa đủ để thực hiện được chúng. Muốn tiến hành được, chúng ta cần phải hiểu rõ phương pháp và cách thức áp dụng những khái niệm này. Ví dụ sau đây sẽ mô tả việc thực hiện khái niệm hoạt động nhóm trong một quy trình phát triển sản phẩm / chế tạo sản phẩm. NTC là một doanh nghiệp sản xuất xe tải. Vào năm 1996, công ty cho ra mắt một loại sản phẩm mới tại cơ sở sản xuất: bộ phận thân buồng lái làm từ sợi thủy tinh và nhôm, khởi đầu cho một sự chuyển đổi lớn từ việc chỉ chế tạo bộ phận xe tải từ 100% kim loại. Một số nhân viên lo ngại rằng các công nhân sẽ phải nhận những vai trò mới và kỹ năng mới, hoặc là nhiều người lao động sẽ nghỉ việc. Để xoa dịu những sự lo lắng này và khuyến khích nâng cao năng suất, NTC đã bắt tay vào một thí nghiệm về việc trao quyền cho người lao động. Trước đây, tại doanh nghiệp có rất ít ví dụ cụ thể về hoạt động nhóm (nếu có). Ban quản lý đã tạo nên một nhóm có nhiệm vụ lập và thực hiện kế hoạch bao gồm những công nhân sẵn sàng tiếp tục ở lại, với hi vọng có thể giảm thiểu các rủi ro kỹ thuật và khuyến khích người lao động chấp nhận quy trình mới. Trong quản lý dự án, những sự chú ý được đặc biệt tập trung vào việc xây dựng một nhóm hoạt động với: – Các công nhân nhiệt tình, tận tụy và có kinh nghiệm – Một đại diện về lĩnh vực kỹ thuật – Một người lập lịch trình và kế hoạch – Một nhân viên am hiểu về hệ thống lắp ráp tự động Việc xác định những nhân viên nào là giàu kinh nghiệm được thực hiện thông qua xem xét các kỹ năng làm việc, thâm niên và lòng trung thành đối với công ty. Một trong những vấn đề nổi bật nhất của sự thay đổi quy trình là sự kết hợp 3 chiều của các bộ phận lắp ráp buồng lái. Quy trình mới này đòi hỏi có một robot làm thay thế công việc của một số công nhân. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số ý tưởng để quá trình này được thiết kế và tối ưu hóa phục vụ cho việc áp dụng tại NTC. Các thiết bị được mua về, chuyển đến và lắp đặt tại nhà máy. Những công nhân bổ sung (đã từng tham gia nhóm thí nghiệm ngày trước) được yêu cầu làm tình nguyện viên cho dòng sản phẩm mới. Ban quản lý giám sát các hoạt động thông qua những cuộc họp giao ban định kỳ. Một cách không chính thức, các nhóm sẽ lựa chọn và phát triển ba vị trí lãnh đạo chủ chốt: một người thực hiện nhiệm vụ phân xử, một chuyên gia kỹ thuật, và một chuyên gia về lĩnh vực cung cấp các bộ phận. Khi tiến hành triển khai quy trình, người còn lại của nhóm sẽ được mời đến quan sát, đưa ra đề nghị, và đặt câu hỏi. Có thể nói, đối với môi trường của công ty này, việc trao quyền cho các nhóm là một thí nghiệm táo bạo nhưng khá thành công. Thông qua ví dụ trên, có thể kết luận được rằng, việc quan tâm đến nhân sự là một phần thiết yếu của quản lý kỹ thuật hiện đại và cần được kết hợp trong cách tiếp cận hệ thống để đảm bảo sự thành công toàn diện và lâu dài của một doanh nghiệp.

Văn phòng NSCL biên dịch

Nguồn: scholar.lib.vt.edu

Tin mới