Với các ưu điểm về tự động hóa, IoT(Internet kết nối vạn vật, Big Data (Dữ liệu lớn), AI (Trí tuệ nhân tạo)…cuộc cách mạng công nghê 4.0 đang tạo ra những thách thức và cơ hội lớn cho ngành Dệt may – ngành có tỷ lệ cao về số nhân công lao động.
Áp lực tạo ra cho những ngành sử dụng số lượng lớn nhân công trong quá trình sản xuất sẽ là rất lớn với làn sóng CMCN 4.0, tốc độ thay đổi sẽ rất nhanh theo hàm số mũ như nhiều dự báo chứ không phải các hàm tuyến tính như các cuộc cách mạng trước. Tuy vậy, CMCN 4.0 cũng mở ra được những cơ hội mới. Với đặc trưng của ngành sử dụng lượng nhân công lớn, cùng với hệ thống trang thiết bị đa dạng, việc áp dụng các công nghệ tự động hóa sẽ có tác động trực tiếp đến quy trình sản xuất, giúp liên kết dữ liệu giữa các thiết bị, giảm số lượng lao động đứng máy trực tiếp. Việc áp dụng công nghệ in 3D cho phép tạo ra những sản phẩm phù thỏa mãn tối đa nhu cầu sử dụng sản phẩm của người dùng, giảm lãng phí do việc sản xuất thừa, sản xuất nhiều loại để đón ý người tiêu dùng. Kéo theo đó, năng suất lao động sẽ tăng, tạo cơ hội cho người lao động có thu nhập cao, giải quyết được vấn đề thâm dụng lao động nhưng thu nhập không hấp dẫn, tỷ lệ thôi việc cao. Với công nghệ được đổi mới trong thời gian qua, năng suất ngành được cải thiện đáng kể. Nếu như 10 năm trước, để tạo ra được 1 tỷ USD xuất khẩu cần có thêm khoảng 80.000 – 90.000 nhân công mới, thì giờ chỉ cần đến 50.000-60.000 nhân công mới. Ngành Dệt may với 4 nhóm sản xuất chính là sợi, dệt thoi-dệt kim, nhuộm hoàn tất và may với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất. Với ngành dệt sợi, từ chỗ dùng 110 người cho 10.000 cọc sợi, nay chỉ cần dưới 25 người, nếu sản xuất lớn, mặt hàng ổn định sẽ chỉ còn dưới 15 người, tốc độ chạy máy tăng 35%. Bên cạnh đó, năng suất lao động đầu người tăng 6-10 lần. Việc sử dụng tin học hóa và sử dụng dữ liệu lớn đã giúp làm tăng tỷ lệ nhuộm trúng sản phẩm đạt 100%, tiết kiệm thuốc nhuộm và hóa chất.
Việc áp dụng các ứng dụng khoa học dưới sự bùng nổ của cuộc Cách mạng 4.0 đã tạo ra được những hiệu quả nhất định trong sản xuất ngành dệt may. Bên cạnh đó, ngành dệt cũng cần liên tục theo dõi và cập nhật những công nghệ của thế giới, đầu tư mở rộng công nghệ hiện đại, góp phần xây dựng sự phát triển của ngành trong tương lai.
Văn phòng NSCL tổng hợp