Với một số nhà sản xuất phụ tùng, thiết bị (OEM) hiện đang gặp khó khăn trong vấn đề không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ thì việc chuyển đổi chuỗi cung ứng có lẽ sẽ giúp họ tìm được câu trả lời.
Hiện nay, sự bùng nổ về công nghệ kĩ thuật số đã thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm và dịch vụ thông minh, mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho các nhà sản xuất thiết bị công nghiệp. Tuy nhiên, không phải tất cả OEM đều bắt kịp bước tiến đó của khoa học công nghệ. Bởi vậy, việc tạo ra một hướng đi mới – ở đây là một chuỗi cung ứng thông minh hơn, chính là giải pháp cho các nhà sản xuất để tạo ra lợi thế cạnh tranh của mình trong trường hợp không thể bắt kịp sự phát triển của công nghệ.
Yêu cầu của khách hàng về việc được cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thông minh hơn, tiện ích hơn đang đặt gánh nặng lên vai các nhà sản xuất. Tuy nhiên bằng việc bắt đầu một chuỗi cung ứng thông minh, các OEM có thê phần nào giải quyết vấn đề này. Nghiên cứu của Accenture cho thấy rằng các OEM có thể tăng khả năng cạnh tranh của họ thêm 13% mỗi năm bằng cách khai thác sức mạnh từ công nghệ kỹ thuật số trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.
Những công nghệ tiên tiến như in 3D, điều khiển từ xa, robot tự động, trí thông minh nhân tạo, phân tích dự báo, điện toán đám mây, cảm biến di động khi được tích hợp vào chuỗi cung ứng có thể làm giảm chi phí về nhân lực, tăng chất lượng sản phẩm và đẩy nhanh quá trình sản xuất. Cách tiếp cận này có thể mở ra một con đường cho nhà sản xuất về khả năng tạo ra các sản phẩm tùy biến trong thời gian ngắn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh; đây là cách tiếp cận tập trung vào vấn đề tăng cường giá trị của chuỗi cung ứng thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật.
Dưới một cái nhìn tổng quát hơn, một chuỗi cung ứng “thông minh” sẽ được hình thành từ những công việc như giám sát và lập kế hoạch tổng thể cho đến việc dự báo và quản lý hàng tồn trong hoạt động vận tải, hậu cần. Và bằng cách kết hợp với các ứng dụng cung cấp dữ liệu thời gian thực, nhà sản xuất có thể đưa ra những phản hồi trực tiếp trong quá trình vận hành chuỗi cung ứng.
Hãy trở nên thông thái hơn
Nhìn chung, có 4 giải pháp mà nhà sản xuất thiết bị công nghiệp cần lưu ý khi phát triển một chuỗi cung ứng thông minh, đó là:
1. Điều phối chiến lược. Việc xây dựng chiến lược điều phối cho chuỗi cung ứng phải là bước đầu tiên khi thiết kế chuỗi cung ứng thông minh. Các công ty nên đảm bảo bảo tính thống nhất giữa định hướng phát triển của tổ chức đối với những thành phần của chuỗi cung ứng (như nguồn cung nguyên liệu, sản phẩm, phương thức tiêu thụ…)
2. Kiểm tra và cải thiện phương thức vận hành. Các quy tắc, quy chuẩn hay trọng điểm được đề ra trong kế hoạch sẽ trở thành những dấu mốc quan trọng giúp nhà sản xuất có thể theo dõi tiến độ hoạt động của chuỗi cung ứng. Các quy tắc càng rõ ràng, chi tiết thì việc đánh giá càng trở nên thuận lợi hơn.
3. Kiểm tra cách tiếp cận. Bạn nên khởi đầu từ những gì bạn quen thuộc nhất: Môi trường hoạt động vốn có của tổ chức. Lấy đó làm nền tảng, bạn có thể tích hợp cung cấp dữ liệu trong thời gian thực hay một vài ứng dụng khác và từ từ trải nghiệm hiệu quả của nó. Việc bắt đầu từ các khoản đầu tư ngắn hạn và rủi ro thấp sẽ phù hợp hơn trong trường hợp này.
4. Làm cho hệ sinh thái cung ứng trở nên minh bạch: Với tính minh bạch về thông tin sản phẩm, mọi thành viên trong chuỗi cung ứng đều có thể hướng tới việc cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ với chất lượng luôn được đảm bảo. Hiện công nghẹ Blockchain đang là một trong những giải pháp hàng đầu để giải quyết vấn đề này.