Năng lực cạnh tranh nói chung và lĩnh vực sản xuất lĩnh vực sản xuất nói riêng được nhìn nhận ở hai phương diện chính: kết quả thực hiện và năng lực thực thi. Kết quả thực hiện, thể hiện mức độ cạnh tranh tại thời điểm kết quả được đánh giá, theo các phương diện được đánh giá, ví dụ như mức kết quả về chất lượng, mức kết quả về chi phí sản xuất, …. Năng lực thực thi (các thực hành tốt) thể hiện cơ chế mà doanh nghiệp có thể duy trì một cách bền vững kể cả trong những điều kiện thay đổi, và cải tiến các kết quả đạt được. Năng lực thực thi đóng vai trò như động lực cho việc đạt được các kết quả thực hiện.
Tiêu chí cạnh tranh sản xuất: Hiện nay nổi lên 5 yếu tố cạnh tranh cơ bản về kết quả thực hiện, đó là: Chất lượng – Giao hàng – Linh hoạt – Chi phí – Phát triển bền vững.
Trong tiếp cận truyền thống về đánh giá kết quả thực hiện, hay thường gọi là tiêu chí cạnh tranh, ba tiêu chí cạnh tranh phổ biết được đề cập là Q (Quality – Chất lượng), C (Cost – Chi phí), và D (Delivery – Giao hàng).
Một doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chí QCD cho thấy kết quả tích cực và ở vị thế cạnh tranh tốt về khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và khả năng thỏa mãn chủ sở hữu – quản lý – người lao động về giá trị gia tăng tư bản (lợi nhuận).
Hiện nay, các doanh nghiệp trong Chuỗi cung ứng muốn chứng tỏ mình là một thành viên có trách nhiệm của xã hội và quan tâm đến sự phát triển bền vững và tương lai của nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp hướng đến các việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho nhân viên, kinh doanh minh bạch, …, và một số chuỗi cung ứng lớn thậm chí tiên phong trong việc đặt ra cho mình các tiêu chuẩn khắt khe hơn so với yêu cầu pháp luật ở các nước sở tại. Xu hướng này ngày càng được mở rộng và khẳng định trong các chuỗi cung ứng và cộng đồng doanh nghiệp, trở thành một tiêu chí cạnh tranh quan trọng – phát triển bền vững.
Cuối cùng, trong xu hướng phát triển của thị trường tiêu dùng với đặc điểm sức mạnh tập trung ở người mua, các sản phẩm phong phú về chủng loại nhưng lại hạn chế về số lượng (high mix – low volume), các lý thuyết sản xuất truyền thống về sản xuất hàng loạt (mass production) với các quan điểm lợi thế về quy mô càng ngày càng bị thách thức. Mô hình sản xuất với lô nhỏ và phong phú về chủng loại dần lên ngôi, đặt ra một thách thức mới cho các doanh nghiệp sản xuất – sự linh hoạt trong sản xuất. Thách thức về sự linh hoạt đặt ra các vấn đề ở gần như mọi khía cạnh của sản xuất như đầu tư thiết bị/công nghệ, hoạch định nhân sự, tổ chức sản xuất, tổ chức chuỗi cung ứng, … để có thể đáp ứng được những lô hàng với sản lượng nhỏ, phong phú về chủng loại/kích cỡ/màu sắc/lựa chọn nhưng lại với thời gian báo trước (leadtime) ngắn nhất.
Năng lực thực thi – thực hành tốt để tăng cạnh tranh sản xuất
Kết quả nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn thực hành tốt trong sản xuất trong chuỗi của Toyota, Ford hay cung ứng Ô tô/xe máy (IATF 16949) và Lockheed Martin cho thấy các thực hành tốt trong sản xuất được chia thành một số lĩnh vực như:
- Chiến lược và triển khai chiến lược: các thực hành chính bao gồm những công cụ như Triển khai chính sách (Hoshin Kanri), Thẻ điểm cân bằng (BSC), Hệ thống chỉ số hoạt động trọng yếu (KPI), Kế hoạch kinh doanh (Business plan).
- Các hệ thống quản lý: các hệ thống quản lý phổ biến đang được yêu cầu và khuyến nghị bởi các chuỗi cung ứng được xác định bao gồm: Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 và IATF 16949 (ô tô xe máy), Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, Hệ thống quản lý OHSAS 18001/ISO 45001, Hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội SA 8000/BSCI, …
- Thiết kế cơ cấu tổ chức: xu hướng tực hành thiết kế cơ cấu tổ chức hướng một số xu hướng như tăng cường sự trao quyền và chủ động trong giải quyết công việc, tăng cường vai trò của các chủ quá trình kết hợp với tiếp cận đa chức năng, thúc đẩy chất lượng tại gốc và từ sớm (gắn với quá trình triển khai sản phẩm mới và sản xuất).
- Phát triển nhân sự: kết quả nghiên cứu chỉ ra xu hướng phát triển nhân sự từ bên trong với định hướng phát triển kỹ năng lãnh đạo song song với phát triển năng lực chuyên môn, phát triển nhân sự đa kỹ năng trong sản xuất.
- Triển khai sản phẩm mới: xu hướng các chuỗi cung ứng ngày càng tập trung vào năng lực triển khai sản phẩm mới/chuẩn bị sản xuất nhằm tăng cường khả năng đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức năng suất ngay từ lô đầu để có thể thích nghi với xu hướng sản lượng nhỏ – chủng loại phong phú và thời gian đặt hàng ngắn.
- Quản lý thiết bị và cơ sở hạ tầng: xu hướng phổ biến trong áp dụng bảo trì năng suất tổng thể (TPM) với 8 trụ cột, tập trung vào các trụ cột cơ bản như Tự bảo dưỡng, Bảo dưỡng phòng ngừa, Quản lý hiệu suất thiết bị tổng thể và Cải tiến có trọng tâm, …
- Quản lý sản xuất hằng ngày (daily management): xu hướng quản lý hằng ngày nhấn mạnh và coi trong vai trò của lực lượng quản lý hiện trường, đặc biệt là tổ trưởng sản xuất với tiếp cận thúc đẩy chu trình Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Điều chỉnh (PDCA) với chu kỳ ngày càng ngắn hơn.
- Quản lý 5S và trực quan hóa hiện trường: kết quả nghiên cứu cơ bản cho thấy 5S dần đã trở thành một thực hành nền tảng và phổ dụng để tạo điều kiện cho việc triển khai các công cụ, phương án khác. Trực quan hóa hiện trường, bao gồm Trật tự trực quan – Kiểm soát trực quan và Thông tin quản lý trực quan. Việc áp dụng 5S và Quản lý trực quan thúc đẩy khả năng phát hiện và xử lý sớm các bất thường trong vận hành sản xuất.
- Giải quyết vấn đề chất lượng: các mô hình giải quyết vấn đề chất lượng chính được xác định là mô hình 8D (ô tô/xe máy và điện tử) và mô hình A3, áp dụng trên nền táng nhóm đa chức năng và phân tích nguyên nhân gốc (biểu đồ xương các, 5 Why, …)
- Quản lý năng lượng và nguyên liệu: xu hướng sản xuất có trách nhiệm hơn với môi trường giúp thúc đẩy các chuỗi cung ứng triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tiêu hao nguyên liệu.
- Quản lý nguồn cung và mua hàng: xu hướng thực hành tốt chuyển từ kiểm soát nguồn cung sang phát triển nguồn cung trên cơ sở xem xét đến các lợi ích dài lâu. Yêu cầu linh hoạt hóa chuỗi cung ứng thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến các nhà cung ứng có năng lực ổn định, dịch vụ hiệu quả, sản xuất linh hoạt, …
- Quản lý tiếp vận và giao hàng: nghiên cứu cho thấy tiếp vận giao hàng tiếp tục xu thế sản xuất kịp thời (JIT) với lô nhỏ hơn và thời gian đặt hàng ngắn hơn. Các kỹ thuật lưu kho và xuất kho theo nguyên tắc FIFO ngày càng phổ dụng với nhiều hình thức áp dụng.
- Quản lý chuỗi cung ứng nội bộ và kế hoạch sản xuất: chuỗi cung ứng nội bộ tiếp tục xu hướng được tinh gọn hóa theo Sơ đồ dòng chảy giá trị nhằm tăng cường dòng chảy liên tục của sản xuất, giảm tồn kho vào giảm tổng thời gian của chu trình sản xuất (lead time). Kế hoạch sản xuất có xu hướng quản lý tập trung, linh hoạt và được bảo vệ với các biện pháp đảm bảo tin cậy của thiết bị và chất lượng. Mô hình quản lý chu kỳ ngắn kết hợp với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ và phần mềm là một xu hướng thực hành đang được thúc đẩy.
- Quản lý kết quả và ra quyết định: Nghiên cứu cho thấy các công ty và chuỗi cung ứng trưởng thành có một hệ thống đo lường kết quả mạnh mẽ, dữ liệu được phân tích hiệu quả và các quyết định được đưa ra kịp thời trên cơ sở các chu kỳ xem xét ngày càng được rút ngắn.
- Cải tiến và đổi mới: xu hướng cải tiến liên tục theo các mô hình Kaizen và hệ thống khuyến nghị vẫn đại diện cho các công ty lớn và trưởng thành. Bên cạnh Kaizen, đổi mới ngày càng trở thành một chức năng và yêu cầu cần được triển khai hiệu quả để tận dụng các thành tự phát triển trong quản lý và công nghệ để tạo ra những thay đổi lớn trong tổ chức.
- Quản lý tri thức: xu hướng coi trọng phát triển tài nguyên tri thức từ trong và ngoài doanh nghiệp. Các thực hành tốt nhấn mạnh đến quá trình học tập liên tục, đặc biệt là dựa trên các bài học thực tế và sử dụng tài liệu về kết quả.
Các thực hành tốt trên sẽ được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng sao cho phù hợp với hiện trạng năng lực cạnh tranh về sản xuất của mỗi doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển được năng lực và khả năng cạnh tranh.
Nguồn: P&Q Solutions