Các mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh trong sản xuất

Hiện nay có các mô hình đo lường hiệu suất và đánh giá năng lực cạnh tranh với những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Dưới đây sẽ giới thiệu về bốn mô hình.

Mô hình đánh giá sự trưởng thành của hoạt động quản lý chất lượng theo ISO 9004:2018

Tiêu chuẩn ISO 9004:2018 Quản lý chất lượng – Chất lượng của tổ chức – Hướng dẫn để đạt được thành công bền vững được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành năm 2018 nhằm bổ trợ cho bộ tiêu chuẩn ISO 9000 phiên bản năm 2000. Tiêu chuẩn này hướng dẫn cho các tổ chức để đạt được thành công bền vững trong một môi trường phức tạp, đòi hỏi và luôn thay đổi. Theo ISO ISO 9004:2018, mô hình tự đánh giá hệ thống quản lý bao gồm 7 lĩnh vực (tương ứng với 7 chương của tiêu chuẩn) và 31 tiêu chí đánh giá. Về mặt tích cực, ISO 9004:2018 bao gồm hầu hết các yếu tố điển hình của một hệ thống quản lý (mở rộng phạm vi đề cập rất nhiều so với ISO 9001:2015).

Hình 1: Sơ đồ cấu trúc tiêu chuẩn ISO 9004:2018

Mô hình Kinh doanh tuyệt hảo sử dụng trong các Giải thưởng chất lượng quốc gia, dựa trên mô hình Malcome Baldridge

Mô hình giải thưởng chất lượng quốc gia, dựa trên mô hình Malcome Baldrige – đầu tiên được sử dụng cho giải thưởng chất lượng quốc gia Hoa Kỳ là một mô hình đánh giá năng lực tổ chức. Phản ảnh được xu hướng và các lý thuyết quản trị doanh nghiệp hiện đại và bao gồm hầu hết các yếu tố điển hình của một hệ thống quản lý. Mô hình này cũng giúp các tổ chức cũng có thể sử dụng để tự đánh giá và hoạch định lộ trình hướng đến việc đạt được năng suất tương tứng với giải thưởng chất lượng quốc gia của mình.

Trong hơn 30 năm áp dụng, mô hình giải thưởng chất lượng quốc gia hiện tại được gọi là “Khung mô hình kinh doanh tuyệt hảo” với 7 lĩnh vực (Sự lãnh đạo, Hoạch định chiến lược, Định hướng khách hàng và thị trường, Phân tích thông tin, Định hướng vào nhân sự, Quản lý quá trình – là lĩnh vực năng lực, Kết quả). Trong cơ cấu hệ thống tiêu chí đánh giá của mình, mô hình Giải thưởng chất lượng quốc gia theo mô hình Malcome Baldrige bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 17 yếu tố, 40 khía cạnh và 88 câu hỏi.

Hình 2: Mô hình 7 lĩnh vực trong giải thưởng chất lượng quốc gia

Về hạn chế, do mục đích của mô hình dùng để đánh giá mức độ và kết quả của triển khai các thực hành “kinh doanh tuyệt hảo – business excellence” cho tất cả các loại hình tổ chức (như đối với ISO 9004:2018) nên các lĩnh vực, yếu tố và tiêu chí của mô hình không phải ảnh một cách đặc thù riêng cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Mô hình đánh giá chuỗi cung ứng của Lockheed Martin

Lockheed Martin, một nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ đã phát triển một bộ thẻ điểm (Scorecard) đánh giá mức độ trưởng thành của việc theo đuổi và thực thi các nguyên lý và công cụ của quản trị tinh gọn – Lean Manufacturing – của các nhà cung ứng trong toàn chuỗi cung ứng của mình.

Bộ thẻ điểm có thể được sử dụng để các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng tự đánh giá và có lộ trình chuyển đổi theo Lean Manufacturing, hoặc được đánh giá bởi bản thân đội quản lý chuỗi cung ứng của Lockheed Martin cho việc phát triển nhà cung ứng.

Mô hình thẻ điểm LEAN của Lockheed Martin phát triển bao gồm 8 lĩnh vực – sự lãnh đạo, sự minh bạch, phát triển sản phẩm LEAN, định hướng quá trình, sản xuất kịp thời, kiểm soát quá trình, công việc tiêu chuẩn, và cải tiến liệ tục – với 31 yếu tố chi tiết cho đánh giá. Ở phương diện tích cực, có thể nói Lockheed Martin Lean Scorecard là một mô hình định hướng và đánh giá mức độ thực thi Lean Manufacturing đầy đủ và sẵn sàng sử dụng ngay được nhất hiện có. 8 lĩnh vực và 31 yếu tố của mô hình này bao gồm cả các yếu tố mềm trong triển khai Lean Manufacturing như cam kết của lãnh đạo, văn hóa hay cơ cấu triển khai đến những công cụ và tiếp cận hết sức cụ thể của Lean Manufacturing như 5S, Quản lý trực quan, TPM, … Ở mặt hạn chế, phạm vi các lĩnh vực và yếu tố trong bộ scorecard này tập trung chính vào các quá trình vận hành sản xuất mà chưa bao gồm sự tổng thể trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp sản xuất như chiến lược, cơ cấu, nhân sự, an toàn – môi trưởng, … Vì vậy mô hình này phát huy tác dụng cao nhất khi áp dụng ở cấp nhà máy sản xuất, hơn là đánh giá tổng thể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Mô hình đánh giá năng lực doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng trong dự án Phát triển năng lực nhà cung ứng được Ngân hàng thế giới kết hợp với Cục Công nghiệp – Bộ Công thương triển khai từ 2018 đến 2021.

Trong dự án này, việc đánh giá năng lực cạnh tranh doanh nghiệp tham gia chương trình sử dụng mô hình đánh giá của Industry Forum, một đơn vị tư vấn/đào tạo thuộc Hiệp hội kinh doanh và sản xuất ô tô Vương quốc anh, có tham vấn với một số doanh nghiệp FDI đầu chuỗi tại Việt Nam.

Hình. Mô hình lĩnh vực đánh giá năng lực cạnh trong – Dự án WG-SDP

Mô hình đánh giá mà dự án WBG-SDP sử dụng có 4 lĩnh vực đánh giá (Chiến lược cạnh tranh & Hệ thống quản lý – Triển khai sản phẩm mới – Vận hành sản xuất – Chuỗi cung ứng) với 73 yếu tố đánh giá. Mô hình mà WBG-SDP sử dụng là một mô hình tương đối tổng thể về các yếu tố vận hành sản xuất trong khi duy trì chiều sâu về chuỗi cung ứng.

Mô hình này cũng phản ảnh được những thực hành tốt nhất hiện nay trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất và quản trị chuỗi cung ứng, tương thích với các chuỗi cung ứng lớn trong lĩnh vực thiết bị hàng không, ô tô xe máy, điện và điện tử. Tuy nhiên, mô hình đánh giá được sử dụng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực thiết bị hàng không, ô tô xe máy, điện và điện tử nên nhiều công cụ/tiếp cận/thuật ngữ được sử dụng không thực sự phổ dụng trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung.

Các mô hình trên, đã giúp ích cho các doanh nghiệp áp dụng nó tự đánh giá và hoạch định lộ trình hướng đến việc đạt được năng suất cao hơn, qua đó, đóng góp vào sự lớn mạnh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất.

Nguồn: P&Q Solution

Tin mới