Bố trí mặt bằng sản xuất là một trong những nội dung quan trọng trong quản trị sản xuất, nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí và thời gian sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp.
Khi thiết kế phương án bố trí mặt bằng sản xuất tối ưu, câu hỏi cơ bản nhất cần giải quyết chính là “vị trí tương đối giữa các thiết bị”. Vị trí đặt máy và thiết bị phụ thuộc vào quan hệ giữa các cặp thiết bị được đặt gần nhau với các cặp thiết bị khác trong mối liên kết tương đối với nhau. Các vị trí được cố định sao cho phí tổn của việc vận chuyển vật liệu/sản phẩm trung gian giữa các vị trị không liền kề nhau là nhỏ nhất. Giới hạn về không gian nhà xưởng sẽ không cho phép thiết kế đi quá chi tiết với các chỉ số được sử dụng để tính toán lợi ích và thiệt hại.
Bên cạnh cách bố trí mặt bằng sản xuất theo quá trình
(Phần 1), còn có một số cách bố trí mặt bằng khác như: bố trí mặt bằng theo sản phẩm; theo khu vực sản xuất; và định vị cố định.
Bố trí mặt bằng theo sản phẩm
Bố trí sản xuất theo sản phẩm (dây chuyền hoàn thiện thực chất) là sắp xếp những hoạt động theo một dòng liên tục những việc cần thực hiện để hoàn thành một công việc cụ thể. Kiểu bố trí này dùng các máy móc thiết bị chuyên dùng để thực hiện những thao tác đặc biệt trong thời gian dài cho một sản phẩm, việc thay đổi những máy móc này cho thiết kế sản phẩm mới đòi hỏi chi phí và thời gian sắp xếp lớn.
Máy móc thiết bị thường được sắp xếp thành bộ phận sản xuất, trong từng bộ phận sản xuất gồm nhiều dây chuyền sản xuất. Công nhân trong kiểu bố trí theo hướng sản phẩm thực hiện một dãy hẹp các động tác trên một vài thiết kế sản phẩm lặp đi lặp lại. Do đó không đòi hỏi kỹ năng, huấn luyện và giám sát hoạt động. Việc phối hợp các hoạt động lập lịch trình sản xuất và hoạch định theo kiểu bố trí này thì rất phức tạp nhưng thực hiện không thường xuyên và ít khi có sự thay đổi.
Dây chuyền sản xuất có thể được bố trí theo đường thẳng hoặc đường chữ U như sau:
Kiểu bố trí này có một số uu điểm: Tốc độ sản xuất sản phẩm nhanh, chi phí đơn vị sản phẩm thấp; chuyên môn hoá lao động, giảm chi phí, thời gian đào tạo và tăng năng suất; việc di chuyển của nguyên liệu và sản phẩm được dễ dàng; mức độ sử dụng thiết bị và lao động cao; hình thành thói quen, kinh nghiệm sản xuất và có lịch trình sản xuất ổn định; dễ dàng trong hạch toán, kiểm tra chất lượng, dự trữ và khả năng kiểm soát hoạt động sản xuất cao.
Các hạn chế có thể thấy bao gồm: hệ thống sản xuất không linh hoạt với những thay đổi về khối lượng, chủng loại sản phẩm, thiết kế sản phẩm; hệ thống sản xuất có thể bị gián đoạn (ngừng) khi có một công đoạn bị trục trặc; chi phí bảo dưỡng, duy trì máy móc thiết bị lớn; không áp dụng được chế độ khuyến khích tăng năng suất lao động cá nhân.
Bố trí mặt bằng theo khu vực sản xuất
Đây là kiểu bố trí theo khu vực, máy móc được tập hợp vào khu vực sản xuất. Chức năng của các khu vực đôi khi cũng giống như kiểu bố trí theo hướng sản phẩm trong một xưởng sản xuất hay qui trình sản xuất lớn, mỗi khu vực được thành lập để sản xuất một nhóm chi tiết có đặc tính chung. Điều này có nghĩa là chúng cần những máy móc giống nhau về tính năng cũng như kiểu lắp đặt.
Bố trí theo khu vực được thực hiện bởi các lý do như đơn giản hóa việc thay đổi thiết bị, rút ngắn thời gian huấn luyện công nhân, giảm thời gian và chi phí vận chuyển nguyên vật liệu, khi có nhu cầu về tồn kho bán thành phẩm thấp, đặc biệt giúp dễ tự động hóa.
Bố trí theo kiểu định vị cố định
Bố trí cố định vị trí là kiểu bố trí mang tính đặc thù của dự án sản xuất, sản phẩm được đặt cố định tại một địa điểm và người ta sẽ mang máy móc thiết bị, công nhân và nguyên vật liệu đến để thực hiện các công việc tại chỗ. Một vài xí nghiệp chế tạo và xây dựng kiểu bố trí này, bằng cách sắp xếp các công việc để định vị sản phẩm ở vị trí cố định và vận chuyển công nhân, vật liệu, máy móc, các vật dụng khác đi đến khu vực sản xuất sản phẩm. Kiểu bố trí này được ứng dụng khi sản phẩm rất cồng kềnh, nặng nề và dễ hư hỏng như đối với các hãng máy bay, tên lửa, tàu thủy, xây dựng cầu đường…
Mục tiêu của các nhà sản xuất là tối thiểu hóa khối lượng vận chuyển để hạn chế hư hỏng và chi phí vận chuyển. Do sản phẩm không di chuyển nên có sự liên tục hơn trong lực lượng lao động được phân công, nhà quản lý không phải lập kế hoạch, bố trí lại nhân sự mỗi khi một hoạt động mới bắt đầu. Tuy nhiên, để triển khai tốt, yêu cầu công nhân phải có kỹ năng chuyên môn cao. Mặt khác, việc vận chuyển công nhân, máy móc thiết bị đến nơi làm việc có thể tốn kém nhiều chi phí và mức sử dụng máy móc thiết bị có thể thấp hơn các kiểu bố trí khác.
Văn phòng NSCL tổng hợp