Nếu như tại Nhật Bản, có hệ thống Kaizen teian – Thiết lập Hệ thống Cải tiến Liên tục thông qua Thực hiện Đề xuất của Người lao động, thì tại Việt Nam, cũng có nhiều công ty đã có ghi nhận các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người lao động. Các ghi nhận này có thể thông qua đánh giá tự phát của lãnh đạo nhà máy, có thể thông qua xây dựng theo hình thức Hội đồng xét duyệt sáng kiến, theo hướng dẫn của Luật Thi đua, Khen thưởng.
- Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn III (TX.Thuận An), Bình Dương, năm 2014 đã ghi nhận sáng kiến của anh Nguyễn Minh Châu, nhân viên kỹ thuật chuyền sản xuất 3A về nghiên cứu ứng dụng thành công phương pháp tách chuyền may label ra chuyền may chuyên dụng, góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động băng chuyền. Sáng kiến này đã tiết kiệm cho công ty trên 61.920 USD/năm và được công ty ghi nhận.
- Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam (TX.Thuận An) Bình Dương, năm 2014 đã ghi nhận sáng kiến của anh Đỗ Quang Trung, Phó Trưởng phòng sản xuất đề án giảm thời gian gián tiếp công đoạn kiểm 1. Thực hiện đề án này đã tiết kiệm chi phí sản xuất cho công ty hơn 50 triệu đồng/năm; đề án tái sử dụng vật liệu đã tiết kiệm cho công ty hơn 100 triệu đồng/năm… Các đề án này cải tiến hiệu quả công việc để công nhân lao động đỡ vất vả hơn”.
- Công ty than Núi Hồng, để ghi nhận các ý kiến của người lao động, đã có Hội đồng xét duyệt sáng kiến, chỉ trong 3 năm (2010 – 2013) Hội đồng xét duyệt sáng kiến đã xét duyệt 85 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất làm lợi khoảng trên 661 triệu đồng.
- Tương tự, Hội đồng Sáng kiến Cải tiến Kỹ thuật của Công ty Cổ phần xi măng FiCO Tây Ninh, năm 2015 đã tổng kết đánh giá các Sáng kiến Cải tiến của toàn Công ty và xét chọn được tổng cộng 32 Sáng kiến Cải tiến do 21 cá nhân và 15 tập thể đóng góp, với giá trị làm lợi gần 17 tỷ đồng.
- Tại Nhà máy Thuốc lá KTC Khánh Hòa, hàng năm, Hội đồng sáng kiến của Nhà máy tổ chức 02 đợt xét duyệt sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Cụ thể, năm 2016 đã có 14 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của CBCNV được Hội đồng sáng kiến Nhà máy công nhận và 1 sáng kiến cải tiến kỹ thuật đượcTổng Công ty công nhận. Không chỉ có Hội đồng sáng kiến mà năm 2016. phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, các giải pháp hợp lý hóa được Ban Giám đốc Nhà máy coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ông Chung Quang Vinh Phó Giám đốc- Trưởng Hội đồng sáng kiến Nhà máy nêu bật ý nghĩa: Các sáng kiến này rất thiết thực trong điều kiện Nhà máy đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, tăng năng suất lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường và tiết kiệm năng lượng.
- Tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất hà Bắc, để ghi nhận các ý kiến của người lao động, đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như đẩy mạnh phong trào thi đua “Tập hợp ý tưởng sáng tạo”; “Thực hành tiết kiệm, giảm định mức tiêu hao”… năm 2016 Hội đồng sáng kiến của công ty đã ghi nhận công nhận 12 sáng kiến với tổng giá trị làm lợi 1 tỷ đồng.
Với nguyên tắc “Chỉ những người đảm nhận một công việc cụ thể nào đó mới có thể tìm ra cách thức thích hợp để cải thiện nó”, việc các công ty Việt Nam duy trì ghi nhận và áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người lao động sẽ tạo tinh thần sáng tạo lan tỏa đến từng cán bộ công nhân viên và mang lại những lợi ích kinh tế lên đến hàng tỷ đồng cho công ty.
Văn phòng NSCL tổng hợp