Bước chuyển mình từ mô hình tổ hợp sản xuất lên doanh nghiệp ở nhiều làng nghề

Việc đầu tư để chuyển đổi mô hình từ các tổ hợp sản xuất làng nghề sang mô hình doanh nghiệp vẫn còn là bài toán khó khăn đối với nhiều cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, ở Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều điển hình đi lên từ chỗ chỉ là một tổ hợp sản xuất  nhỏ lẻ. Sau 10 năm thay đổi mô hình để cải thiện quy mô năng lực sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH Đồng Âu Lạc đã trở thành một đơn vị có uy tín trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ các ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Anh Nguyễn Đăng Đoàn, giám đốc của Công ty Đồng Âu Lạc cho biết: Xuất phát điểm ban đầu của công ty chỉ là một tổ hợp sản xuất nhỏ trong làng nghề truyền thống với hình thức sản xuất nhỏ lẻ nên đầu ra các sản phẩm không ổn định, chất lượng sản phẩm không đồng đều nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với quyết tâm giữ được nghề truyền thống của cha ông mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu ngày một cao của thị trường thì yêu cầu tất yếu là: Chuyển đổi sang một mô hình sản xuất chuyên nghiệp hơn; Ứng dụng các máy móc, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, loại bỏ việc sản xuất theo kinh nghiệm; Áp dụng các quy trình quản trị doanh nghiệp; Kiểm soát chất lượng sản phẩm theo hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế. Hiện nay, sau nhiều năm chuyển đổi, Đồng Âu Lạc đang sở hữu nhiều máy móc hiện đại chuyên dùng trong lĩnh vực cơ khí chế tọa như máy phay, máy bào, khoan, cắt trị giá hàng chục tỷ đồng, Không những vậy, đội ngũ cán bộ của công ty cũng được đào tạo để nắm vững khả năng vận hành hệ thống máy móc, làm chủ được khoa học công nghệ. Doanh thu của công ty đạt gần 20 tỷ đồng mỗi năm với nhiều sản phẩm có uy tín không chỉ riêng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Có cùng chí hướng, anh Nguyễn Đình Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Hà Việt cũng lấy mục tiêu chính là phát triển các ngành nghề truyền thống lên một mô hình sản xuất mới. Hiện nay với hệ thống xưởng sản xuất rộng 1000 m2 cùng nhiều hệ thống máy phục vụ sản xuất các sản phẩm nhôm-đồng, Hà Việt đã vinh dự trở thành nhà cung cấp các sản phẩm cho nhiều công ty như Khóa Việt Tiệp, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc Phòng, Công An. Có thể nói rằng, Hà Việt hay Đồng Âu Lạc chỉ là hai trong số rất nhiều doanh nghiệp đi lên từ các cơ sở sản xuất làng nghề. Chung quy lại, chìa khóa thành công của các doanh nghiệp chính là thay đổi hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để đến với quy mô lớn hơn nhờ đầu tư các hệ thống máy móc tiên tiến.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới